Cụ thể, hiện trạng rừng toàn quốc đến ngày 31/12/2020 như sau: Diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.677.215 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.279.185 ha và rừng trồng là 4.398.030 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.919.557 ha, tỷ lệ che phủ là 42,01%.
Theo Quyết định này, Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia theo quy định tại Quyết định số 1439/QĐ-BNN-TCLN ngày 25 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp; Tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng trên phạm vi toàn quốc và của từng địa phương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giao Ủy ban nhân dân các cấp (huyện, xã), thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp; Sử dụng số liệu hiện trạng rừng để cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ rừng nghiêm túc thực hiện công tác theo dõi, cập nhật và báo cáo diễn biến rừng hàng năm theo quy định; Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2020, tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm (nếu có) các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
Theo kế hoạch chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 42 - 43%. Trồng rừng sản xuất khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030, trong đó chủ yếu là trồng tái canh. Riêng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở miền núi và ven biển sẽ bảo tồn và bảo vệ khoảng 3,3 triệu ha. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 4.000 - 6.000 ha/năm và phấn đấu phục hồi khoảng 150.000ha rừng.
Những năm qua công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cộng đồng xã hội quan tâm sâu sắc hơn; chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Cùng với đó, việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng; tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. Cơ chế, chính sách từng bước được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Mặc dù việc triển khai và áp dụng các chính sách bảo vệ và phát triển rừng đã thu được những thành quả nhất định, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, các chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trong thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Đặc biệt phải kể đến là việc hiện nay các chính sách về lâm nghiệp đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, có các mức đầu tư và hỗ trợ cho các đối tượng còn sự khác biệt lớn. Theo thống kê, hiện diện tích rừng cả nước chủ yếu tập trung ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn. Song thực tế cho thấy ở khu vực này, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể dựa vào rừng để đảm bảo sinh kế có thu nhập và sống ổn định từ rừng. Do vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng và chi trả các chi phí liên quan còn chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học lâm nghiệp thời gian qua mới chỉ tập trung cho ứng dụng và triển khai góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành, các nghiên cứu cơ bản còn ít được quan tâm nên chưa tạo được nền tảng cơ sở khoa học cho một số lĩnh vực như: Hệ sinh thái rừng tự nhiên, công nghệ cao trong chọn tạo giống, chế biến và bảo quản lâm sản…; Cơ cấu cây trồng, giống cây trồng lâm nghiệp chưa được đa dạng hóa; tiềm năng sản xuất nông lâm kết hợp chưa được tận dụng và khai thác tốt để nâng cao giá trị gia tăng của rừng...
Do vậy, thời gian tới để bảo đảm tính bền vững và tiếp nối các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần có sự nghiên cứu, tổng kết, đánh giá chính sách lâm nghiệp hiện hành để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện chính sách đầu tư, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản tạo đòn bẩy cho phát triển lâm sản trong giai đoạn 2021-2025, định hướng cho phát triển Lâm nghiệp đến 2030. Các chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nên tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Lê Mai