Du khách trải nhiệm nghề thêu, dệt thổ cẩm tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. |
Phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần gắn kết cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Do vậy, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 đã và đang tạo động lực để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu này.
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang được phân bổ trên 16,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là trên 8,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 7,9 tỷ đồng. Nguồn vốn sự nghiệp thuộc dự án 10 là 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Từ nguồn vốn đầu tư, Sở đã thực hiện bảo tồn 2 lễ hội truyền thống như: Phục dựng, bảo tồn Lễ hội Gầu Tào của người Mông, xã Yên Lâm huyện Hàm Yên; Lễ hội Giã cốm của dân tộc Tày, xã Thanh Tương, huyện Na Hang; Tổ chức 3 lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán các DTTS như: Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện các luật tục, hương ước, quy ước, chuẩn mực đạo đức cho đồng bào DTTS; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng chế biến món ăn, phục vụ lưu trú... Hỗ trợ 2 chương trình nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một: nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình; nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Quan làng của dân tộc Tày, xã Thanh Tương huyện Na Hang. Xây dựng 3 nội dung xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Hàm Yên; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Nùng gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Yên Sơn; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của người Cao Lan gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Sơn Dương.
Đồng thời, tổ chức ngày hội văn hóa, hội thi thể thao các DTTS tỉnh Tuyên Quang năm 2024. Hỗ trợ đầu tư bảo tồn 2 làng, bản truyền thống vùng đồng bào DTTS; bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn; làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Hỗ trợ xây dựng 20 tủ sách cộng đồng vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia vùng đồng bào DTTS; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại huyện Chiêm Hóa; di tích lịch sử quốc gia Làng Ngòi - Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Khe Lau, thị trấn Yên Sơn huyện Yên Sơn. Chống xuống cấp di tích quốc gia vùng đồng bào DTTS tại địa điểm Nà Mạ thôn Pác Hóp, xã Linh Phú huyện Chiêm Hóa thuộc Di tích quốc gia đặc biệt, địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; hỗ trợ 40 bộ trang thiết bị cho nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN; đầu tư bảo tồn làng, bản, văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS.
Phục dựng, bảo tồn Lễ hội Giã cốm của dân tộc Tày, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. |
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang còn quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa bằng việc phát triển các tour du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng tại các bản làng của đồng bào DTTS. Hoạt động du lịch sinh thái tại các khu di tích, điểm du lịch… cũng được quan tâm đẩy mạnh, từ đó tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của các địa phương. Điều này đã góp phần mang lại giá trị kinh tế, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm: Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án 6; huy động sự tham gia của cộng đồng và người dân trong công tác bảo tồn, phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống gắn phát triển du lịch của tỉnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa xã, các nghệ nhân, người có uy tín về truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS; phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, xây dựng hình ảnh văn hóa Tuyên Quang giàu bản sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Có thể khẳng định, trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch, tỉnh Tuyên Quang đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong đó, Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 đã tiếp thêm sinh lực để ngành Văn hóa và các địa phương tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào DTTS trong giai đoạn mới.