Các gian hàng ẩm thực thu hút đông đảo người dân mua và thưởng thức. |
Tuần hàng thương mại, nông sản, du lịch, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024 tại Hà Nội đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng lại. Với quy mô trên 100 gian hàng của 50 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đặc trưng vùng miền, địa phương, sản phẩm OCOP; hàng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tham gia và trưng bày sản phẩm.
Thông qua các hoạt động tại sự kiện, tỉnh Tuyên Quang đã tạo ra sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố trong nước. Tỉnh Tuyên Quang đang phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch cho thị trường Hà Nội trong thời gian tới.
Để tham dự sự kiện này, bà Lộc Thị Loan, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) chia sẻ: Từ trước sự kiện 1 tuần tôi đã chuẩn bị các nguyên liệu để gói các loại bánh truyền thống như bánh chưng gù, bánh nếp, bánh trứng kiến, cơm lam, xôi ngũ sắc... của Tuyên Quang. Tôi rất vui vì qua sự kiện này, tôi cũng như người dân Tuyên Quang, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh có cơ hội thiệu tới người dân Thủ đô các đặc sản và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào mình. Qua đó, góp phần quảng bá, lan tỏa nét đẹp của vùng đất, con người Tuyên Quang đến người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước.
Người dân Thủ đô thích thú xem các mặt hàng thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. |
Trong khuôn khổ Tuần hàng, nhiều gian hàng được trang trí ấn tượng đã giới thiệu tới nhân dân Thủ đô và khách tham quan những sản phẩm tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang như: các mặt hàng nông sản, sản phẩm thổ cẩm thêu truyền thống, các loại bánh dân gian... Nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh. Qua đó, tạo ấn tượng với khách tham quan.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: Tham quan các gian trưng bày hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang, tôi vô cùng ấn tượng với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương được giới thiệu tại đây. Tôi đã mua được nhiều đồ phù hợp với sở thích, nhu cầu của mình như: bánh chưng gù, bánh nếp, cơm lam...
Cũng đến tham quan gian hàng, bà Nguyễn Thị Hà, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, bên cạnh các sản phẩm nông sản, bà vô cùng ấn tượng với các sản phẩm thổ cẩm độc đáo của đồng bào dân tộc ở Tuyên Quang. Sản phẩm đẹp, mẫu mã đa dạng mang đậm bản sắc. Chắc chắn, dịp gần nhất bà và người thân sẽ đến Tuyên Quang để tìm hiểu thêm về ẩm thực, văn hóa của đồng bào nơi đây.
Khách tham quan thích thú xem trình diễn nghệ thuật chấm sáp ong truyền thống của đồng bào Dao Tiền. |
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc với 22 dân tộc cùng sinh sống, dân số toàn tỉnh trên 812 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,7%. Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đã tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, làm nhà cho hộ nghèo, làm đường bê tông, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, hỗ trợ vay vốn, con giống, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch… cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan luôn quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo được giữ vững.