Theo Bloomberg, chốt phiên giao dịch ngày 18/2 tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), giá cổ phiếu của “gã khổng lồ” giao đồ ăn Trung Quốc Muituan lao dốc tới 18% - mức giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng qua và "thổi bay" gần 30 tỷ USD vốn hóa. Sau khi Bắc Kinh ban hành quy định mới, trong đó yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn phải giảm mức phí thu của các nhà hàng để họ giảm chi phí kinh doanh. Các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến cũng được yêu cầu phải đưa ra mức phí ưu đãi cho các nhà hàng ở những khu vục đang chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Chính sách mới tới khi các nhà đầu tư vẫn đang rất lo sợ với sự chấn chỉnh trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Vài năm trước, sự phát triển bùng nổ của các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc tưởng chừng không gì có thể cản được. Thế nhưng, khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt quản lý với lĩnh vực này để theo đuổi chiến lược “thịnh vượng chung”, vận mệnh của những “đại gia” công nghệ như Alibaba, Didi bắt đầu trở nên mờ mịt hơn.
Giới đầu tư tỏ ra do dự trước sự khó đoán của các chính sách ở Trung Quốc. Vài tuần gần đây, các cổ phiếu doanh nghiệp giáo dục tại nước này trải qua một đợt giảm giá mạnh nữa, tiếp nối cú lao dốc vào năm ngoái, do xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục siết quản lý với lĩnh vực này.
Dù từ tháng 4/2021, nhiều nhà chiến lược của nhiều hãng tài chính lớn như Goldman Sachs, Jefferies Financial Group đều dự báo về một sự phục hồi, tuy nhiên đến nay cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vẫn chưa có bước chuyển mình đáng kể nào. Hiện tại, giá cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp. đang rẻ hơn so với các cổ phiếu ngành tiện ích như CLP Holdings Ltd. ở Hồng Kông – mã thường có tiềm năng tăng trưởng thấp hơn.
Theo một số nhà phân tích, giá cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc có thể còn giảm nữa khi họ triển khai thực hiện theo các quy định mới và đối mặt chi phí kinh doanh cao hơn.
NĐ (T/h)