Indonesia duy trì lệnh cấm iPhone 16 bất chấp kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD của Apple |
Theo Reuters, ông Agus Gumiwang Kartasasmita, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, cho biết Apple tiếp tục bị cấm bán iPhone 16. Dù đồng ý xây nhà máy sản xuất, công ty chưa đáp ứng quy định về tỷ lệ nội địa hóa.
Indonesia yêu cầu thiết bị được bán tại đây phải có từ 35% đến 40% thành phần sản xuất trong nước. Trước đây, các công ty như Apple có thể đáp ứng bằng cách đầu tư vào phát triển và tạo việc làm trong nước, nhưng hiện Indonesia không chấp nhận.
Ông Agus đã gặp ông Nick Ammann, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Apple, ngày 7/1 để thảo luận về đề xuất đầu tư.
Trong cuộc thảo luận, Apple công bố xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị định vị thông minh AirTag - một thiết bị có thể giúp mọi người nhanh chóng tìm thấy đồ dùng cá nhân của mình tại Batam, Indonesia. Việc xây dựng sẽ sớm được bắt đầu và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2026. Cam kết đầu tư của Apple dự kiến sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho 2.000 lao động.
Sau cuộc họp, ông Agus tuyên bố: "Một tỷ USD chưa đủ. Không có cơ sở nào để cấp chứng nhận nội địa hóa và Apple được phép bán iPhone 16, vì nhà máy đó không có liên hệ trực tiếp với linh kiện iPhone. Indonesia chỉ chấp nhận đối với linh kiện điện thoại"
Ông cũng cảnh báo về khả năng xử phạt đối với Apple nếu công ty tiếp tục không tuân thủ các quy định về đầu tư, tuy nhiên đây sẽ chỉ là biện pháp cuối cùng và chính phủ đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Bộ trưởng Agus nhấn mạnh rằng không có thời hạn cụ thể để Táo khuyết phải tuân thủ các quy định. “Nếu Apple muốn bán iPhone 16 và đặc biệt là khi họ dự định ra mắt iPhone 17, quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào họ”, ông nói.
Hiện tại, đại diện của Apple tại Indonesia từ chối bình luận về vấn đề. Các giám đốc điều hành của Apple đang có mặt tại Jakarta để đàm phán với chính phủ về đề xuất đầu tư này, với mục tiêu gỡ bỏ lệnh cấm iPhone 16 đã được áp dụng từ tháng 10.
Lệnh cấm iPhone được Indonesia áp dụng từ tháng 10/2024 nhằm gây sức ép buộc tập đoàn phải đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Sự chậm trễ trong việc gỡ bỏ lệnh cấm đã khiến Táo khuyết mất đi cơ hội khai thác một thị trường đầy tiềm năng với 280 triệu dân.
Tại Indonesia, Apple đang phải cạnh tranh với các đối thủ như Samsung và Xiaomi. Những hãng này đã tuân thủ quy định nội địa hóa từ năm 2017 bằng cách xây dựng nhà máy tại đây.