Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đã xảy ra tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Thậm chí, tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng bảo hiểm xã hội nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi bảo hiểm xã hội thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con.
Ảnh minh họa.
Trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, có nhiều trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế không đúng quy định, thông đồng với nhân viên y tế làm giả hồ sơ để trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế; lập hồ sơ bệnh án nhưng không có người bệnh. Hoặc kê tăng số lượng, thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh nhưng thực tế người bệnh không sử dụng; thu tiền của người bệnh đối với chi phí thuốc, vật tư y tế đã có trong cơ cấu giá ngày giường điều trị, công khám bệnh, dịch vụ kỹ thuật…
Tuy nhiên, do chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, việc thanh toán, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên khi cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện các hành vi sai phạm hoặc có dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế chỉ có thể từ chối thanh toán hoặc yêu cầu hoàn trả về Quỹ.
Về lĩnh vực này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, nếu chức năng thanh tra chuyên ngành về thanh toán, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giúp tăng hiệu quả việc thanh tra chuyên ngành về đóng và tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chi đầu ra các Quỹ. Từ đó, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối thiểu các hành vi lạm dụng, trục lợi, hướng tới đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
P.V