Trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hóa sụt giảm, Bộ Công Thương nỗ lực tìm thị trường đẩy mạnh xuất khẩu

09:30 09/05/2023

Nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đổi mới hình thức và tập trung khai thác các thị trường xuất khẩu mới.

Cụ thể, Bộ sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

Bên cạnh đó, Bộ cũng chọn giải pháp đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” ngày 25/4, tại TP.HCM

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có một số đề nghị đối với các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp.

Theo đó, đối với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu triệt để khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Từ thực tiễn hoạt động, cần khẩn trương kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi; vừa chú trọng khai thác thị trường truyền thống, vừa quan tâm khai mở thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đồng thời, các Hiệp hội cần làm tốt công tác thông tin thị trường, tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập, khai thác thị trường và điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng với việc tập trung nghiên cứu và tăng cường nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu, cần chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong các vụ việc có tranh chấp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khác, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cần tái cơ cấu mạnh mẽ về quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí; đẩy mạnh liên kết sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.

An Nguyên