Báo cáo mới cho biết, khi phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tham gia vào nhiều hình thức hoạt động kinh doanh hơn, công nghệ này sẽ thúc đẩy năng suất cho nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, dẫn báo cáo dài 68 trang của Viện Toàn cầu McKinsey, đài Sputnik (Nga) đưa tin AI có thể đóng góp số tiền tương đương 2,6 – 4,4 nghìn tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế toàn cầu.
AI tạo sinh - một nhánh của AI là thuật toán có khả năng tạo ra nội dung mới bao gồm văn bản, hình ảnh, video và âm thanh. AI tạo sinh được phát triển từ những tiến bộ trong học sâu (deep learning) để cho ra kết quả tương tự như khi được tạo ra bởi con người.
“AI tạo sinh có khả năng thay đổi cấu trúc công việc, nâng cao khả năng của từng người lao động bằng cách tự động hóa một số hoạt động riêng lẻ”, báo cáo viết.
McKinsey&Co cũng dự báo khoảng 75% giá trị tiềm năng từ công nghệ AI thế hệ mới sẽ được ứng dụng vào bốn nhóm hoạt động kinh doanh như quản lý khách hàng, tiếp thị và bán hàng, công nghệ phần mềm và nghiên cứu và phát triển (R&D).
Báo cáo lấy ví dụ chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng có thể hưởng lợi thêm 200-340 tỷ USD từ việc năng suất được cải thiện, tương đương với việc lợi nhuận hoạt động tăng 9-15%.
Đáng chú ý, McKinsey cho rằng, chỉ riêng trong mảng R&D, công nghệ AI thế hệ mới cũng đã có thể giúp đạt mức tăng năng suất thêm 10-15%, tăng thêm tới 25% lợi nhuận cho một số nhóm doanh nghiệp, trong đó có các công ty dược phẩm và sản phẩm y tế.
Một số ý kiến cho biết, các nhận định của McKinsey về lực lượng lao động cơ bản tương đồng với tài liệu nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia được công bố trước đó.
Tài liệu cũng đưa ra khả năng về xu hướng tái tổ chức lao động trong giai đoạn tới, khi các khoản đầu tư vào AI sẽ làm thay đổi cấu trúc phân cấp của các công ty, trong đó tỷ lệ lao động ở cấp cơ sở sẽ tăng lên, trong khi lực lượng ở cấp quản lý trung và cao cấp được cho là sẽ suy giảm.
Báo cáo McKinsey cũng cho biết, sự phát triển nhanh chóng của các công cụ AI tạo sinh sẽ giúp tự động hóa một nửa số công việc trên toàn cầu vào khoảng năm 2030 đến năm 2060.
Bà Lareina Yee, một lãnh đạo cấp cao của McKinsey & Co và là Chủ tịch của McKinsey Technology, cho biết rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến cho con người một “siêu năng lực” mới, rất cần thiết để giúp nền kinh tế tăng năng suất.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi mọi hoạt động sang trí tuệ nhân tạo sẽ gây áp lực lên lực lượng lao động.
Các tác giả của báo cáo cũng chỉ ra, sự ra đời của công nghệ AI mới sẽ khiến lực lượng lao động có trình độ học vấn cao nhất dễ bị tổn thương hơn. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự ra đời của các công nghệ mới trước đây, vốn thường tác động đến những người có trình độ học vấn thấp hơn và thực hiện nhiều công việc tay chân hơn.
Vài năm trước, McKinsey đã ước tính khoảng một nửa số giờ làm việc của công nhân trên toàn thế giới có thể được tự động hóa. Hiện tại con số này lên tới 60-70%.
Khoảng 75% giá trị tiềm năng từ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới được ứng dụng sẽ đến từ bốn bộ phận kinh doanh: vận hành khách hàng, tiếp thị - bán hàng, công nghệ phần mềm và nghiên cứu - phát triển.
Việc áp dụng tự động hóa sẽ nhanh hơn ở các nền kinh tế phát triển, nơi mức lương cao hơn sẽ khiến việc này trở nên khả thi sớm hơn so với những nền kinh tế nghèo. Và sẽ tác động đến công việc văn phòng nhiều hơn là các công việc chân tay.
Trí tuệ nhân tạo sẽ làm tăng tác động đến lực lượng lao động có trình độ học vấn cao nhất.
Khi công việc được tự động hóa cao, phân tích của McKinsey cho thấy tỉ lệ tính theo trình độ học vấn của nhân viên như sau: tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 13%, cử nhân chiếm 22%, bằng liên kết 9%, cao đẳng 22%, tú tài 24%, phổ thông 9%.
Công cụ AI hiện nay có thể tạo ra các video và hình ảnh là tâm điểm của một cuộc tranh luận gay gắt, cho thấy những tác động mà chúng có thể gây ra đối với thị trường việc làm và nền kinh tế toàn cầu.
Song một số chuyên gia cảnh báo AI có thể đảm nhiệm công việc của con người, lan truyền thông tin sai lệch và thậm chí gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại.
Ông Geoffrey Hinton - nhà khoa học máy tính người Canada gốc Anh cho rằng, AI “có thể trở nên thông minh hơn con người và thay thế con người”.
Ở một mức độ nào đó, khi đưa ra những lo ngại này, báo cáo thừa nhận rằng các cơ quan quản lý cần giải quyết những nội dung gây hiểu nhầm và không chính xác do công cụ AI tạo ra.
Bà Lareina Yee cho biết: “Thay đổi sâu sắc nhất mà chúng ta sẽ chứng kiến là thay đổi đối với con người. Điều này đòi hỏi con người phải tăng cường đổi mới và thúc đẩy khả năng lãnh đạo hơn nhiều so với công nghệ".
Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là quản lý đồng thời các mặt tích cực và tiêu cực của công nghệ”, báo cáo của McKinsey kết luận.
Minh Tú (t/h)