![]() |
Transsion Holdings là nhà sản xuất smartphone có trụ sở tại Thâm Quyến và bắt đầu kinh doanh từ năm 2006. |
Khi nhắc đến những tên tuổi thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu, người ta thường nghĩ ngay đến Apple, Samsung hay Xiaomi. Tuy nhiên, có một cái tên đang lặng lẽ vươn lên, chen chân vào top 4 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới – đó là Transsion. Đáng chú ý, hãng điện thoại đến từ Trung Quốc này lại không bán bất kỳ sản phẩm nào tại quê nhà 1,4 tỷ dân.
Theo số liệu được công bố tháng 2 của công ty nghiên cứu Canalys, trong năm 2024, Transsion đã bán ra 106,7 triệu smartphone trong năm qua, chiếm 9% thị phần toàn cầu. Thành tích này giúp Transsion vượt qua hàng loạt đối thủ sừng sỏ như Oppo, Huawei và Vivo để vươn lên vị trí thứ tư thế giới, chỉ đứng sau ba “ông lớn” Apple, Samsung và Xiaomi.
Tại khu vực Đông Nam Á trong quý IV/2024, Transsion thậm chí dẫn đầu ở Philippines, đứng thứ hai tại Indonesia và xếp thứ ba ở Malaysia. Trong khi đó, tại châu Phi – thị trường được xem là “sân nhà” của họ, Transsion chiếm đến 40% thị phần trong năm 2024.
Dù đang khuynh đảo thị trường thế giới, nhưng ở Việt Nam, cái tên Transsion vẫn còn khá xa lạ. Vậy, đây là công ty như thế nào mà có sức ảnh hưởng lớn đến vậy?
Transsion Holdings là nhà sản xuất smartphone có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), khởi đầu hoạt động từ năm 2006. Tuy nhiên, thay vì lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc như các thương hiệu đồng hương Oppo, Vivo hay Xiaomi, Transsion đã chọn một lối đi riêng biệt. Công ty này quyết định không bán điện thoại tại quê nhà mà dồn lực tiến vào thị trường châu Phi từ năm 2008, bắt đầu bằng những chiếc điện thoại phổ thông, trước khi ra mắt smartphone đầu tiên vào năm 2014.
Với ba thương hiệu con gồm Infinix, Tecno và Itel, Transsion nhanh chóng xây dựng được chỗ đứng vững chắc tại lục địa đen. Công ty này được mệnh danh là “vua smartphone châu Phi”, khi từng chiếm gần 50% thị phần vào năm 2021 và hiện duy trì ổn định ở mức khoảng 40%.
Sau thành công tại châu Phi, Transsion tiếp tục áp dụng chiến lược tương tự khi tiến vào các thị trường mới nổi khác như Pakistan và Bangladesh, nơi họ cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Không dừng lại ở đó, công ty này mở rộng sự hiện diện đến hơn 70 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Nam Á, Trung và Nam Mỹ.
Đáng chú ý, tại thị trường đông dân như Ấn Độ, Transsion đang nuôi tham vọng tái hiện kỳ tích mà Xiaomi từng làm được.
Chính sự mở rộng thần tốc ấy đã giúp Transsion liên tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng qua các con số thống kê từ những đơn vị nghiên cứu thị trường như Canalys nêu trên.
![]() |
Với ba thương hiệu con gồm Infinix, Tecno và Itel, Transsion nhanh chóng xây dựng được chỗ đứng vững. |
Sự thành công của Transsion không đến từ may mắn, mà xuất phát từ chiến lược “bản địa hóa” sản phẩm một cách sâu sắc. Công ty này nghiên cứu kỹ lưỡng thói quen, sở thích, nhu cầu của người dùng ở từng thị trường để cho ra đời những mẫu điện thoại phù hợp nhất.
Ví dụ, tại châu Phi, khi Samsung và Nokia thống trị nhưng chỉ bán những mẫu điện thoại tiêu chuẩn hóa trên toàn cầu, thì Transsion đã chọn cách “đi đường vòng” để đánh bại họ. Những chiếc điện thoại của Transsion được tích hợp các tính năng đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của người dân châu Phi.
Một tài khoản tên Yan Qi – người chuyên theo dõi ngành công nghiệp di động – từng nhận định trên trang tin công nghệ 36Kr rằng: “Samsung và Nokia đã từng là những thương hiệu điện thoại chủ lực tại châu Phi. Tuy nhiên, các sản phẩm của họ đều sử dụng chung thông số kỹ thuật cho mọi thị trường. Transsion đã phá vỡ điều đó khi tung ra các sản phẩm thấu hiểu nhu cầu người dùng châu Phi, cải thiện trải nghiệm và bổ sung những tính năng độc đáo, khiến sản phẩm của họ nổi bật hơn hẳn các đối thủ.” |
Các dòng máy của Transsion được trang bị những tính năng rất riêng, khó tìm thấy ở những thương hiệu lớn khác.
Chẳng hạn, điện thoại của hãng có chế độ chụp ảnh ban đêm với thuật toán tối ưu giúp tái hiện chân thực tông màu da tối của người châu Phi. Một số mẫu máy còn hỗ trợ nhiều khe cắm SIM, giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các nhà mạng để tối ưu chi phí gọi và dữ liệu.
Bên cạnh đó, nhận thấy khí hậu châu Phi nắng nóng, Transsion đã phát triển công nghệ bảo vệ linh kiện trước nhiệt độ cao. Các mẫu điện thoại cũng được trang bị viên pin dung lượng lớn, nhằm giải quyết vấn đề thiếu điện thường xuyên tại các nước như Nigeria, Nam Phi hay Ethiopia.
Không chỉ dừng lại ở phần cứng, Transsion còn xây dựng hệ sinh thái ứng dụng nhằm tăng cường sự gắn bó của người dùng. Boom Player là ví dụ điển hình – nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn nhất châu Phi, với hơn 300.000 bài hát từ 4.200 nghệ sĩ địa phương.
Nhờ sự am hiểu sâu sắc thị trường, Transsion đã “đánh trúng” thị hiếu người dùng khi cho ra đời những mẫu smartphone có giá chỉ từ 3 – 4 triệu đồng, nhưng vẫn sở hữu màn hình lớn, pin bền, hiệu năng ổn định.
![]() |
Dòng điện thoại Tecno POVA 5 của Transsion |
Dù gặt hái nhiều thành công ở châu Phi, Nam Á hay Đông Nam Á, nhưng Transsion vẫn chưa tạo được dấu ấn rõ nét tại Việt Nam. Các thương hiệu con như Infinix, Tecno, Itel đã có mặt nhưng chủ yếu tập trung ở phân khúc giá rẻ khoảng 2 triệu đồng.
Theo chia sẻ từ một số hệ thống bán lẻ, doanh số của các thương hiệu này khá thấp, do không được đầu tư mạnh về chiến lược bán hàng, quảng bá thương hiệu hay cập nhật sản phẩm mới. Cũng vì thế, các dòng máy này không lọt top những hãng smartphone bán chạy tại Việt Nam và không có số liệu thống kê cụ thể về thị phần.
Dù nổi danh nhờ điện thoại giá rẻ, nhưng Transsion cũng đang dần “nhòm ngó” phân khúc smartphone cao cấp – nơi những ông lớn như Samsung, Apple hay Google đang làm chủ.
Hãng lựa chọn thương hiệu Tecno làm “mũi nhọn” khi tung ra những model như Phantom V Flip hay Phantom V Fold – dòng smartphone màn hình gập có giá trên 600 USD. Đây là những sản phẩm hiếm hoi của Transsion hướng tới nhóm khách hàng cao cấp, được kỳ vọng sẽ giúp công ty nâng tầm thương hiệu.
Transsion đang chứng minh rằng, không nhất thiết phải thống trị tại quê nhà thì mới trở thành “ông lớn” toàn cầu. Từ một công ty nước ngoài thâm nhập châu Phi, công ty này đã vươn mình thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới nhờ chiến lược “bản địa hóa” khôn ngoan và sự thấu hiểu nhu cầu người dùng. Tương lai của Transsion vẫn còn là dấu hỏi, nhưng rõ ràng, “gã khổng lồ ẩn mình” này đang từng bước định hình lại bức tranh thị trường smartphone toàn cầu theo cách riêng của mình.