![]() |
OpenAI vượt xa các đối thủ trong cuộc đua hút chi tiêu AI từ doanh nghiệp |
OpenAI đang khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh thu hút chi tiêu AI từ doanh nghiệp, vượt qua các đối thủ như Anthropic và Google AI. Đây là nhận định rút ra từ dữ liệu giao dịch do công ty tài chính công nghệ (fintech) Ramp công bố.
Theo Chỉ số AI của Ramp, một báo cáo theo dõi mức độ áp dụng sản phẩm AI của các doanh nghiệp Mỹ dựa trên dữ liệu chi tiêu thẻ và hóa đơn, tính đến tháng 4 năm 2025, 32,4% doanh nghiệp tại Mỹ đã đăng ký sử dụng các mô hình và công cụ AI của OpenAI. Con số này tăng mạnh so với mức 18,9% hồi tháng 1 và 28% trong tháng 3, cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng của hãng AI hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh lại đang tỏ ra hụt hơi. Chỉ 8% doanh nghiệp Mỹ đăng ký sử dụng dịch vụ AI của Anthropic tính đến tháng 4, tăng nhẹ so với mức 4,6% vào tháng 1. Google AI thậm chí còn chứng kiến sự sụt giảm mạnh, khi tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này giảm từ 2,3% vào tháng 2 xuống chỉ còn 0,1% vào tháng 4.
“OpenAI đang thu hút khách hàng với tốc độ nhanh hơn bất kỳ công ty nào khác. Chỉ số AI của chúng tôi cho thấy OpenAI đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn các đối thủ cung cấp mô hình AI” ông Ara Kharazian - chuyên gia kinh tế của Ramp cho biết trong một bài đăng blog. |
Tuy nhiên, Ramp cũng lưu ý rằng chỉ số AI này không phản ánh toàn bộ bức tranh khi chỉ phân tích dữ liệu chi tiêu từ khoảng 30.000 công ty, và có thể bỏ sót các khoản chi AI nằm trong những danh mục khác.
Dù vậy, những con số này vẫn là minh chứng rõ ràng cho thấy OpenAI đang củng cố vị thế vững chắc trên thị trường AI doanh nghiệp, một thị trường được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới.
Trong báo cáo công bố vào tháng 4, OpenAI tiết lộ rằng số lượng người dùng doanh nghiệp của hãng đã vượt mốc 2 triệu, tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 9 năm ngoái. Theo dự đoán của Bloomberg, OpenAI có thể đạt 12,7 tỷ USD doanh thu trong năm 2025, và vươn lên 29,4 tỷ USD vào năm 2026.
Không chỉ tại Mỹ, ở Việt Nam, việc sử dụng ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo khác cũng đang trở thành một xu hướng nổi bật, đặc biệt trong môi trường học tập và làm việc.
Theo khảo sát của Microsoft, 88% lao động tri thức ở Việt Nam đã sử dụng AI tạo sinh (Generative AI) trong công việc, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 75%.
Khảo sát tại Đại học Quốc gia TP.HCM cho thấy 98,1% sinh viên biết đến ChatGPT, trong đó 78,92% sử dụng công cụ này trong học tập.
Trong khi, khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng AI vào công việc, chủ yếu sử dụng ChatGPT hoặc các ứng dụng AI cơ bản. Riêng với lĩnh vực giáo dục, nhiều sản phẩm EdTech tại Việt Nam đã tích hợp ChatGPT để nâng cao trải nghiệm người dùng, hỗ trợ học sinh và giáo viên trong việc học tập và giảng dạy hiệu quả hơn.
Trao đổi về xu hướng này, chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, anh Quang Anh - chủ một doanh nghiệp thiết kế quảng cáo tại quận Hoàng Mai, Hà Nội - cho biết: “Nhân sự của chúng tôi đã rút ngắn được quá trình viết nội dung hoặc lên ý tưởng hơn trước. ChatGPT giúp chúng tôi lên ý tưởng, viết mô tả sản phẩm và thậm chí là đánh giá kết quả như một phản hồi của khách hàng. Tất nhiên tôi vẫn cần kiểm tra lại, nhưng tốc độ làm việc thì tăng đáng kể".
Về phía người dùng trong lĩnh vực công nghệ, chị Phương Mai - chuyên gia phân tích dữ liệu - chia sẻ rằng AI đã trở thành công cụ đắc lực trong công việc hằng ngày của chị, đặc biệt là khi tổng hợp các báo cáo định kỳ. “Nếu AI giúp công việc hiệu quả hơn, thì không có lý do gì mà không sử dụng,” chị nói.
Sự tăng tốc của OpenAI không chỉ là tín hiệu tích cực cho thị trường công nghệ toàn cầu, mà còn cho thấy cơ hội rộng mở với doanh nghiệp nếu biết tận dụng sức mạnh từ các nền tảng AI. Dù vẫn còn không ít rào cản về chi phí, ngôn ngữ và nhận thức, nhưng AI - đặc biệt là các công cụ như ChatGPT - đang từng bước trở thành trợ lý đắc lực người dùng hiện đại.
Mặc dù vẫn chưa tạo ra dòng tiền tăng trưởng dương, OpenAI đang lên kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh. Một trong số đó là triển khai các “tác nhân AI” chuyên biệt dành cho doanh nghiệp, hỗ trợ các nhiệm vụ chuyên sâu như lập trình phần mềm và nghiên cứu.