Tranh chấp sở hữu Facebook Otofun
Vụ việc xảy ra khi ông Nguyễn Mạnh Thắng, nguyên Tổng Giám đốc rời bỏ chức vụ tại Công ty OTV Media (đơn vị quản lý của Otofun). Phía OTV Media cho rằng, ông Thắng đã không bàn giao lại 2 group trên mạng xã hội facebook là Otofun và Chợ trời Otofun.
Quan điểm của OTV Media là group được lập ra bởi Tổng Giám đốc OTV Media mang tên Otofun.net thuộc sở hữu của OTV Media. Ngoài ra, Otofun.net đã được đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ. Theo đơn vị này, vụ việc sẽ phải nhờ tới sự can thiệp của cơ quan chức năng và pháp luật.
Trong khi đó, ông Thắng lập luận, nhóm facebook này do ông lập ra từ tài khoản cá nhân mà không hề có bất kỳ chỉ đạo, văn bản hay ủng hộ nào từ công ty. Cựu tổng giám đốc OTV khẳng định, cá nhân ông tạo ra nhóm Otofun.net trên Facebook và nó đã phát triển nhờ nỗ lực của các thành viên nên họ có quyền làm chủ group này như là một sân chơi đúng nghĩa của họ. Ông nhấn mạnh, Công ty OTV không có bất cứ lý do, chứng cứ nào để chứng minh nó là tài sản riêng của OTV.
Ở một diễn biến khác, trên diễn đàn Otofun, ban quản trị đã thông báo chính thức hai nhóm facebook trên không còn là các nhóm facebook chính thức thuộc Cộng đồng Otofun và không còn được quản trị/ kiểm duyệt bởi Ban điều hành Cộng đồng Otofun.
Phía OTV Media cũng cho biết sẽ không chịu trách nhiệm về nội dung cũng như mọi hành vi hành động liên quan đến 2 kênh thông tin, truyền thông nói trên từ ngày 2/7. Ban điều hành Cộng đồng Otofun đã khởi tạo hai nhóm facebook mới thay thế.
Trước đó, một nhóm facebook khác cũng có tên giống Otofun đã buộc phải đổi tên sau khi OTV Media đã nhờ luật sư can thiệp.
Khó xử lý
Liên quan tới xử lý vụ việc, ông Vũ Công Học, Công ty truyền thông Hello Media, cho rằng, facebook là một mạng xã hội của nước ngoài. Để bảo vệ quyền lợi của mình, họ có thể gửi yêu cầu tới Facebook để được xử lý. OTV có thể dựa vào Luật Sở hữu trí tuệ khi đã đăng ký sở hữu mọi sản phẩm có tên Otofun trên lãnh thổ Việt Nam để nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Nhìn chung, việc giải quyết tranh chấp này có thể sẽ khiến các cơ quan tố tụng gặp không ít không khó khăn vì trước đó, chưa từng có tranh chấp nào xảy ra liên quan đến quyền sở hữu, quản lý trên mạng xã hội.
Luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc Công luật IB Legal Vietnam, nhận định, để xử lý được tranh chấp này cần phải xem xét hai khía cạnh: quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp xem xét trang fanpage Otofun là một loại tài sản. Theo tư duy lý luận về quyền tài sản, tài sản ảo như fanpage, tên miền, địa chỉ hộp thư điện tử,... là những tài nguyên trên mạng máy tính có thể được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao, chuyển nhượng trong các giao dịch dân sự. Do đó, fanpage cũng là một loại tài sản.
Như vậy, để xác định ai là chủ sở hữu tài sản đối với trang fanpage này đòi hỏi cơ quan giải quyết tranh chấp phải xác định được cơ sở xác lập quyền sở hữu của mỗi bên tranh chấp đối với trang fanpage này.
Fanpage là một sản phẩm của facebook, được tạo ra bởi người dùng facebook thông qua tài khoản facebook của họ. Do đó, trong trường hợp này, nếu fanpage Otofun được tạo bởi tài khoản facebook của ông Nguyễn Mạnh Thắng thì khả năng được nhìn nhận đây là quyền tài sản của ông là rất cao, trừ khi phía Công ty OTV Media cung cấp được chứng cứ chứng minh trang fanpage này được tạo ra bởi phía Công ty OTV Media hoặc có thỏa thuận với ông Nguyễn Mạnh Thắng về việc tạo fanpage này cho Công ty OTV Media.
Thứ hai, trong trường hợp đã tìm ra ai là chủ sở hữu của fanpage Otofun, và nếu ông Nguyễn Mạnh Thắng được xác định là chủ sở hữu fanpage này thì khả năng sẽ xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng tên thương mại “Otofun” trong nội dung fanpage.
Căn cứ theo quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ, tên thương mại là một trong những nội dung thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Theo đó, quyền sở hữu cộng nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
Căn cứ theo khoản 6 điều 124 Luật sở hữu trí tuệ, sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
Theo đó, nếu Công ty OTV Media có thể chứng minh mình được bảo hộ về sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại “Otofun” thì có thể yêu cầu bên có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình bằng cách áp dụng quyền tự bảo vệ theo quy định của luật sở hữu trí tuệ, gồm: Yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo luật sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
V.N