Trong bài viết dài đăng trên mục quan điểm của New York Times, Chris Hughes cho rằng Mark Zuckerberg đang sở hữu "quyền lực không ai kiểm soát" và tầm ảnh hưởng "lớn hơn rất nhiều so với bất cứ ai khác trong khu vực tư nhân hoặc trong chính phủ".
Theo ông Hughes, đã đến lúc để xé nhỏ Facebook ra.
"Mark là người tốt và nhân hậu. Nhưng tôi thấy giận dữ vì mong muốn tập trung vào tăng trưởng của anh ấy dẫn tới việc đánh đổi an ninh và văn minh để lấy những cái click", nhà đồng sáng lập Facebook nhận định.
"Tôi thất vọng với chính bản thân mình và đội ngũ ban đầu của Facebook vì đã không nghĩ nhiều hơn tới việc thuật toán News Feed có thể thay đổi văn hóa, ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và trao quyền lực cho những các lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa", ông Hughes viết.
"Tôi lo ngại rằng Mark tập hợp xung quanh mình một đội ngũ củng cố niềm tin của anh ấy thay vì thách thức nó".
Mark Zuckerberg và Chris Hughes trong những ngày đầu tiên của Facebook, ảnh chụp hồi năm 2004. Ảnh: Polaris. |
Hughes là nhân vật mới nhất trong chuỗi những nhà khởi nghiệp và giám đốc điều hành các công ty công nghệ kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn với Facebook và những nền tảng trực tuyến khác.
Họ bày tỏ quan điểm trong khi các quốc gia trên thế giới đang chạy đua để kiểm soát tốt hơn mạng xã hội, sau chuỗi những bê bối liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, can thiệp bầu cử và sự lan tràn của thông tin sai lệch.
Ông chủ Facebook bắt đầu có tín hiệu về việc cởi mở với một số sự kiểm soát. Trong một bài viết trên mục ý kiến của tờ Washington Post hồi tháng 3, CEO mạng xã hội lớn nhất thế giới nhắc tới những lĩnh vực mà ông cho rằng nên bắt đầu siết chặt quy định từ đó.
Theo quan điểm của Hughes, việc Facebook kêu gọi siết chặt quy định kiểm soát đối với chính họ là cách để né tránh bị kiện từ chính phủ trong tương lai.
Hughes, đã nghỉ việc tại Facebook được hơn một thập kỷ, cho biết tinh thần cạnh tranh và mong muốn thống trị của Zuckerberg dẫn tới việc tập đoàn này kiểm soát tới 80% doanh thu từ mạng xã hội trên thế giới.
Doanh nhân này cho rằng Facebook hiện tại đã có "sự độc quyền đầy quyền lực", và tập đoàn này cần phải đảo ngược các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp.
Ông Hughes cũng đề xuất việc chính phủ Mỹ nên tạo ra một cơ quan riêng để kiểm soát các tập đoàn công nghệ.
"Zuckerberg đã tạo ra một người khổng lồ, đè bẹp việc khởi nghiệp và hạn chế lựa chọn của người dùng. Chính phủ sẽ phải có trách nhiệm phải đảm bảo rằng chúng ta không thể mất đi sự kỳ diệu của bàn tay vô hình", ông Hughes nhận xét.
Chris Hughes năm nay 35 tuổi, là bạn cùng phòng của Mark Zuckerberg tại Harvard và hiện có tài sản trị giá 430 triệu USD.
Sơn Trần