Nhà băng giúp bán “nợ”, DN đủ vốn quay vòng
Theo ông Trần Nhật Nam - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán (CTCK) Kỹ Thương, hiện nay thị trường đã có hàng chục NHTM tham gia hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại trái phiếu DN. Việc ngày càng nhiều TCTD tham gia vào thị trường này sẽ tạo ra nền tảng để hình thành “chợ trái phiếu” đúng nghĩa. Bởi sau khi tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho DN, các CTCK và NHTM thường đề xuất DN đưa trái phiếu lên niêm yết trên các sàn chứng khoán. Các yêu cầu về kiểm soát và minh bạch thông tin cũng sẽ được các sàn đặt ra và yêu cầu DN công bố, giải trình định kỳ một cách hợp lý. Vì thế, những thông tin như: mục đích, phương án sử dụng vốn, sức khỏe tài chính, mức độ tín nhiệm của DN… phần nào sẽ được công khai rộng rãi.
Việc ngày càng nhiều TPDN được niêm yết trên sàn sẽ tạo ra nền tảng cho “chợ trái phiếu thứ cấp” đúng nghĩa |
Ở thời điểm này, theo ông Nam các NHTM và CTCK tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu đang giải quyết thay cho DN những băn khoăn, lo ngại của NĐT, vì khi hỗ trợ DN phân phối trái phiếu, đa số các TCTD đều đóng vai “nhà tạo lập thị trường” bằng cách tạo ra thanh khoản, giới thiệu người mua lại trái phiếu khi NĐT cần bán, hoặc cho phép người mua có thể bán lại trái phiếu cho ngân hàng, thậm chí cam kết bảo lãnh. Việc làm này của các NHTM giúp NĐT, nhất là các NĐT cá nhân yên tâm đầu tư trái phiếu DN ngay cả khi các thông tin về DN chưa được cụ thể hoặc chỉ tiếp cận được một cách hạn chế.
Quan sát từ thị trường cho thấy, những phân tích trên của ông Nam là khá xác đáng. Bởi chỉ trong vòng nửa năm 2019 vừa qua, hàng trăm DN đã “tựa” khá hiệu quả vào các TCTD để phát hành thành công các đợt chào bán trái phiếu.
Chẳng hạn, trong tháng 6 vừa qua, CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã phát hành thành công 261 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó gần 80% trái phiếu được bán cho NĐT cá nhân. Các DN khác như: Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Địa ốc Đất Xanh, Địa ốc Phát Đạt… cũng lần lượt bán thành công 300 tỷ đồng, 234 tỷ đồng và 150 tỷ đồng trái phiếu cho các NĐT cả cá nhân và tổ chức.
Ghi nhận từ các DN phát hành trái phiếu cho thấy, nguồn tiền thu về từ việc bán trái phiếu hiện cũng được các DN này sử dụng khá hiệu quả. Tại CTCP Hạ tầng cấp nước Sài Gòn, sau khi huy động thành công 380 tỷ đồng trái phiếu, DN này đã đầu tư 150 tỷ đồng vào công ty con là Công ty Đầu tư nước SGN và 35 tỷ đồng vào dự án cấp nước tại Củ Chi. Trong khi đó, TCT Phát triển Đô thị Kinh Bắc sau khi huy động thành công 200 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 1/2019 đã có nguồn vốn dài hạn 150 tỷ đồng đầu tư vào dự án hạ tầng tại KCN Quang Châu (Bắc Giang). Phía CII cũng diễn biến tương tự, khi DN này đã dùng hơn 1.000 tỷ đồng huy động được từ trái phiếu trong các năm trước để góp vốn vào CTCP CII E&C, đầu tư dự án cao ốc 152 Điện Biên Phủ (Bình Thạnh - TP.HCM) và thanh toán các khoản nợ gốc, nợ lãi ngân hàng đến hạn.
Minh bạch thị trường thứ cấp để tránh rủi ro
Mặc dù ghi nhận sự bứt phá của thị trường trái phiếu DN và kỳ vọng thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối 2019, nhưng nhiều chuyên gia tài chính vẫn lưu ý rằng, các mảng tối rủi ro trong hoạt động bán buôn, bán lẻ trái phiếu DN vẫn cần thiết phải được “soi sáng” lại và minh bạch hóa.
Ông Trần Nhật Nam cho rằng hiện nay Nghị định 163/2018 của Chính phủ dù đã mở ra khá nhiều điều kiện cho các DN phát hành trái phiếu sơ cấp, nhưng các quy định hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 NĐT trong vòng 1 năm lại đang vô tình chặn đầu các giao dịch thứ cấp.
Theo đó, việc quy định hạn chế các TCTD mua gom trái phiếu rồi bán lại cho nhiều NĐT, ở chiều tích cực sẽ khiến các DN chuyển dần sang hình thức chào bán công khai; nhưng ở chiều tiêu cực sẽ khiến thị trường thứ cấp trở nên co cụm vì chỉ có một số lượng nhỏ các NĐT chuyên nghiệp tham gia. Khi đó việc đầu tư trái phiếu DN cũng không khác nhiều so với hoạt động cấp tín dụng. Các NHTM sẽ mua trước trái phiếu DN sau đó phân phối lại. Đến khi bán ra, nếu trái phiếu được bảo lãnh thì số dư trái phiếu vẫn sẽ bị tính vào tăng trưởng tín dụng của các NHTM bao gồm tất cả những rủi ro tiềm ẩn tương tự như hoạt động cho vay.
Theo một con số thống kê, hiện nay các NHTM đang nắm giữ khoảng 35,5% trái phiếu DN sơ cấp được lưu hành. Nếu tính cả số lượng trái phiếu DN các ngân hàng nắm giữ thông qua các CTCK thì tỷ lệ này còn lớn hơn rất nhiều. Theo quy định của NHNN, việc mua trái phiếu DN phải được các NHTM tính vào hạn mức tín dụng và đảm bảo áp dụng hệ số rủi ro phù hợp theo quy định. Tuy nhiên, quan sát cho thấy tại các báo cáo tài chính của nhiều NHTM hiện nay, hạng mục bảo lãnh phát hành trái phiếu DN không được thể hiện một cách cụ thể. Trong khi đó, do hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu DN trong thời gian qua đều là phát hành theo phương thức chào bán riêng lẻ nên mức độ phổ biến thông tin cũng khá hạn chế.
Vì vậy, dù thị trường trái phiếu DN bước đầu đã có sự đa dạng giữa bên bán và bên mua nhưng các số liệu liên quan đến doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát, quản trị rủi ro trong các giao dịch trái phiếu DN vẫn còn khá mập mờ. Lợi nhuận thực tế từ hoạt động bảo lãnh, phân phối trái phiếu DN tại các TCTD hầu như vẫn còn là một ẩn số khi thị trường thứ cấp trái phiếu DN vẫn chưa thực sự sôi động và các quyết định đầu tư trái phiếu DN của NĐT cá nhân hầu như vẫn đang phải dựa vào uy tín và sự bảo lãnh của NHTM và các CTCK.
Thạch Binh