Trong khi nhiều địa phương đã biến cụm công nghiệp (CCN) thành điểm tựa phát triển công nghiệp địa phương, tại TP. Huế, mô hình này vẫn đang loay hoay tìm hướng đi hiệu quả.
Thiếu hụt hạ tầng, vướng mắc vận hành
Từ năm 2021 đến nay, TP. Huế đã thành lập 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 323ha. Trong đó, 5 cụm đã đi vào hoạt động, thu hút 128 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 8.300 lao động, với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 66%. Riêng năm 2024, địa phương tiếp tục phê duyệt thêm 2 CCN mới tại Phú Diên (Phú Vang) và Điền Lộc 2 (Phong Điền), góp phần mở rộng không gian công nghiệp ra khu vực ven đô.
Tuy nhiên, nhiều CCN vẫn đối mặt với loạt vấn đề tồn tại: hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu nhà máy xử lý nước thải, quy hoạch dân cư chưa đồng bộ, và cơ chế quản lý chưa rõ ràng. Đơn cử tại CCN Thủy Phương (TX. Hương Thủy), chỉ 3 trong số 5 tuyến đường gom đã được đầu tư, còn lại đang “đợi vốn”. Kinh phí nâng cấp các tuyến đường đã được lập dự toán khoảng 40 tỷ đồng nhưng chưa bố trí được nguồn. Công ty CP Viên nén năng lượng Thừa Thiên Huế – đơn vị xuất khẩu khoảng 90.000 tấn viên nén mỗi năm sang Nhật Bản – vẫn phải tự xoay xở về hạ tầng, xử lý môi trường, tuyển dụng lao động. Những bất cập này khiến việc mở rộng sản xuất trở nên khó khăn, nhất là trong bối cảnh các khu dân cư liền kề chưa có phương án tái định cư cụ thể.
Nhiều CCN hiện chưa có bộ máy vận hành chuyên trách, không ít cụm hoạt động theo kiểu “ai đến trước thì có đất, còn lại chờ hạ tầng”. Thực tế này phần nào làm suy giảm vai trò vốn được kỳ vọng của các CCN – nơi định hướng phát triển sản xuất tập trung, giảm áp lực đô thị hóa.
![]() |
Việc hiện thực hóa vai trò của CCN không chỉ là một mục tiêu kinh tế, mà còn là bước đi chiến lược để Huế kiến tạo nền công nghiệp bền vững và có chiều sâu. |
Không thể chỉ xem cụm công nghiệp là nơi “gom” các xưởng lại với nhau. CCN nên được thiết kế như một hệ sinh thái sản xuất – nơi có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trung tâm đào tạo nghề, logistics kết nối và cơ chế hỗ trợ đầu tư rõ ràng. Một số địa phương như Bình Dương, Quảng Ngãi hay Bắc Ninh đã làm rất tốt mô hình này, biến CCN thành nền tảng cho các chuỗi sản xuất địa phương, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ thành mạng lưới hiệu quả. Với Huế – nơi có lực lượng lao động dồi dào, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm tỷ trọng lớn – việc xây dựng CCN theo hướng liên kết ngành, chuyên môn hóa, đặc biệt trong các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, chế biến nông sản, y tế... hoàn toàn khả thi. |
Chuyển biến chính sách và kỳ vọng mới
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế đang có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển công nghiệp. Đến năm 2030, thành phố dự kiến thành lập và mở rộng 20 CCN, với tổng nhu cầu vốn trên 6.000 tỷ đồng, từ ngân sách và các nguồn xã hội hóa.
Đáng chú ý, TP. Huế đã ban hành Quyết định 89/2024/QĐ-UBND về quy chế quản lý CCN, thành lập Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng, đồng thời đưa các CCN vào danh mục kêu gọi đầu tư chiến lược. 100% cụm sẽ được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, gắn với quy hoạch đô thị và sinh thái.
Thành phố cũng đang triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030, trong đó khuyến khích mô hình liên kết giữa trường nghề và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ học phí cho người lao động tham gia đào tạo kỹ thuật chuyên sâu.
Dù định hướng và chính sách đã có, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở khâu thực thi: giải phóng mặt bằng, bố trí vốn, hoàn thiện hạ tầng và vận hành hiệu quả bộ máy quản lý cụm. Việc hiện thực hóa vai trò của CCN không chỉ là một mục tiêu kinh tế, mà còn là bước đi chiến lược để Huế kiến tạo nền công nghiệp bền vững và có chiều sâu.