Quý I/2023 tổng vốn đầu tư nước ngoài cả cấp mới, tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 497,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Tính tổng cộng đến nay trên địa bàn thành phố có 11.598 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 56,4 tỷ USD. Thành phố dẫn đầu so với cả nước về số dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt chiếm 31,4% và 12,7%.
Dù vậy, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh thu hút FDI vào thành phố đang gặp nhiều thách thức. Công tác quản lý, theo dõi các dự án sau khi được cấp phép còn thiếu chặt chẽ. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư chưa thực sự hiệu quả.
Đặc biệt, vốn FDI đang có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành. Nếu như năm 2022 lĩnh vực dịch vụ thu hút FDI nhiều nhất vì nhu cầu thị trường gia tăng, tiềm năng lớn, Việt Nam mở cửa nhiều ngành dịch vụ theo các hiệp định thương mại đã ký kết.
Trong khi đó, các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút vốn FDI rất thấp, một phần vì TP. Hồ Chí Minh chưa có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào những ngành này. Gần đây, thành phố đã chú trọng thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, song lượng vốn FDI vào ngành này chưa cải thiện.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của Thành phố. Dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, TP.HCM tập trung vào phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Thực hiện chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân…
Theo bà Nguyễn Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hồ Chí Minh trong Dự thảo Đề án trình UBND TP. Hồ Chí Minh, nhiều điểm mới trong thu hút FDI đã được đề xuất. Đầu tiên, là thu hút FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thành phố sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các ngành được mời gọi đầu tư là cơ khí chế tạo; điện tử; công nghệ thông tin; nhựa cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm; kinh tế số. Một điểm mới nữa là thu hút các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Trong đó, ưu tiên các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác đầu tư có sử dụng công nghệ cao; các nhà đầu tư thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có khả năng tham gia hỗ trợ các nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng.
Về giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chọn lọc, thành phố tiếp tục xây dựng thêm một số khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiên cứu các chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án lớn, công nghệ cao...
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tạo điều kiện cho Việt kiều tham gia đầu tư như góp vốn, góp cổ phần với các tổ chức doanh nghiệp trong nước, có chính sách ưu đãi thuế cho kiều bào, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút kiều hối vào các hoạt động đầu tư có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong tình hình mới hiện nay, thành phố đã và sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân…
Từ phía các nhà đầu tư nước ngoài cũng khuyến nghị thành phố cần cải thiện quyết liệt hơn nữa môi trường đầu tư, giải quyết các vướng mắc về thủ tục xin giấy phép cho thuê trang thiết bị, thủ tục thu hút đầu tư, điều chỉnh vốn mất rất nhiều thời gian và nhiều loại giấy tờ.
PV (t/h)