Bài liên quan |
Xuất khẩu lao động đem về lượng kiều hối tới 4 tỷ USD/năm |
Kiều hối về Việt Nam năm 2024 đạt 16 tỷ USD |
Trong ba tháng đầu năm 2025, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, cho thấy vai trò ngày càng lớn của nguồn lực ngoại tệ này đối với sự phát triển kinh tế thành phố. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Khu vực 2), tính đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng kiều hối đạt 2,412 tỷ USD, tương đương 25,3% tổng kiều hối cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quý IV/2024.
Dù chưa đạt mức đỉnh như quý I/2024 (2,896 tỷ USD), lượng kiều hối quý I/2025 vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2023 (2,119 tỷ USD) và 2022 (1,775 tỷ USD), cho thấy xu hướng phục hồi và tăng trưởng ổn định. Điểm sáng đáng chú ý là dòng kiều hối từ khu vực châu Á tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng 48,7%, tăng mạnh 46,1% so với quý trước – mức tăng cao nhất trong tất cả các khu vực.
![]() |
TP Hồ Chí Minh hút hơn 2,4 tỷ USD kiều hối trong quý I/2025 |
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2, nhận định rằng kết quả này là nhờ vào hiệu quả của các chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định, môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, cùng với hoạt động chuyên nghiệp của các công ty kiều hối và ngân hàng thương mại. Đặc biệt, sự tiện lợi và dịch vụ chất lượng cao đã góp phần tăng độ tin cậy và hấp dẫn đối với người gửi và người nhận kiều hối. Trong quý I/2025, lượng kiều hối chuyển về qua các công ty kiều hối đạt 1,757 tỷ USD, trong khi các ngân hàng thương mại tiếp nhận 655 triệu USD.
Mặt khác, nền kinh tế quốc gia nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục tăng trưởng tích cực. Các lĩnh vực như du lịch, văn hóa, thể thao phát triển mạnh mẽ, cùng các hoạt động kỷ niệm lễ hội truyền thống đã góp phần tăng cường kết nối với kiều bào, từ đó thúc đẩy nguồn kiều hối về nước.
Trong năm 2024, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 9,547 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với năm 2023. Khu vực châu Á và châu Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với 82,2% tổng lượng kiều hối. Điều này phản ánh mối liên kết bền chặt giữa người Việt tại nước ngoài và quê hương, đồng thời mở ra nhiều cơ hội khai thác hiệu quả nguồn lực này.
Thành phố hiện đặt mục tiêu dài hạn là duy trì lượng kiều hối ở mức hai con số, tối thiểu 10 tỷ USD mỗi năm. Theo định hướng của Đề án phát triển kiều hối do UBND TP. Hồ Chí Minh xây dựng, một trọng tâm lớn là chuyển dịch dòng tiền từ tiết kiệm, tiêu dùng sang đầu tư phát triển – thông qua các kênh như trái phiếu đô thị và các sản phẩm tài chính phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, khuyến khích chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng nhằm gia tăng giá trị thực cho người thụ hưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.