Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng đã lưu ý điều này trong bài phát biểu của mình về các giải pháp đột phá cần tập trung giải tỏa 3 vấn đề lớn này tại Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra sáng nay 28/2/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
“Đặc thù của TP. HCM là một đô thị hết sức đặc biệt, tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP, 25% thu ngân sách…Các tỉnh, thành khác vượt lên, TP. HCM chậm lại. Sắp tới, lợi thế cửa ngõ quốc tế chắc chắn sẽ suy giảm”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi hội thảo, Bộ trưởng đã đề nghị các đại biểu dự hội thảo đóng góp ý kiến để lựa chọn hướng đi phù hợp cho TP. Hồ Chí Minh. Thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đang phải đối diện nhiều khó khăn như tiềm năng thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả, tính vượt trội, dẫn dắt có chiều hướng suy giảm, tỷ lệ đóng góp GDP năm 2023 chỉ còn 16,5%. Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần…
Tiếp thu những ý kiến đóng góp cùng với những nhận định này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn hội thảo giúp nhận diện rõ hơn những hạn chế, khai mở hết tiềm năng để TP. Hồ Chí Minh làm tròn vai trò là một trung tâm phát triển, không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, mà của cả nước và xa hơn là của khu vực. “Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh không chỉ vì sự phát triển của thành phố và cũng không tự làm một mình được” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói thêm.
Người đứng đầu Thành phố cũng khẳng định mong muốn tiếp tục là cực tăng trưởng của đất nước, tiến tới trở thành một thành phố toàn cầu trong khoảng thời gian quy hoạch và càng sớm càng tốt. “Chúng tôi ý thức được rằng, để hiện thực hóa mục tiêu này không chỉ cần có thể chế mà cả cách làm đột phá”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo báo cáo tại hội thảo, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thấp hơn mức bình quân cả nước và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ gia tăng năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh có xu hướng thấp hơn với bình quân chung cả nước.
Thành phố cũng được đánh giá hạn chế trong thu hút FDI do thiếu mặt bằng sản xuất, trong cơ cấu vốn, FDI chỉ chiếm 13,3%. Vốn của các tổ chức doanh nghiệp trong nước chiếm 52,3%, là nguồn lực đầu tư lớn nhất, tuy nhiên lực lượng doanh nghiệp này phần lớn có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, khó tạo ra tăng trưởng về năng suất lao động chung cho nền kinh tế. Lực lượng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, cụ thể thành phố có 200.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97% tổng số doanh nghiệp và 65% tổng số lao động. Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ nhỏ 3,4% tổng số doanh nghiệp, nhưng tạo ra khoảng 25% số lượng việc làm. Số lượng doanh nghiệp có dưới 5 lao động chiếm tới 2/3 tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “bản quy hoạch không chỉ cho thấy trách nhiệm lớn, tính khoa học, công phu mà cả khát vọng phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Các ý kiến tại hội thảo cho thấy tâm huyết và tình cảm của các chuyên gia, nhà khoa học dành cho TP. Hồ Chí Minh là rất lớn, rất có giá trị, Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu…Chúng tôi sẽ tổ chức họp hội đồng ngay đầu tháng 5, dự kiến có thể thông qua quy hoạch trước 30/6”.
Uyển Nhi