Tại TP. Hồ Chí Minh những năm qua, tình trạng dây cáp điện, viễn thông… bị rối vì quá nhiều, thậm chí bị võng, đứt xuống đường gây mất an toàn giao thông và nguy cơ cháy nổ. Hậu quả gần nhất vào tối 26/8/2024, đoàn tàu SE7 chạy tuyến đường sắt Bắc Nam phải hãm phanh khẩn cấp vì bị các bó cáp viễn thông “níu toa tàu”, tại đoạn giao với đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận). Ngoài ra, theo ghi nhận hiện nay, việc thu gom của các nhà mạng viễn thông đối với dây cáp cũ, hỏng làm không được triệt để, tồn tại các bó cáp chằng chịt. Thực trạng này ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vậy các cơ quan chức năng làm gì để giải quyết vấn đề này, sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện hiện nay được thực hiện như thế nào cũng như việc ngầm hóa lưới điện tại TP. Hồ Chí Minh đã được thực hiện ra sao?
Trả lời về vấn đề này, theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống cáp điện lực cũng như cáp viễn thông là tài sản thuộc sở hữu của ngành điện và ngành viễn thông và do các đơn vị này quản lý vận hành. Do đó, ngành điện và các đơn vị viễn thông có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra để đảo bảo an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng. Trường hợp khi có sự cố xảy ra liên quan đến cáp điện và viễn thông, các đơn vị điện lực và viễn thông có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để nhanh chóng khắc phục sự cố và giải quyết các hậu quả có liên quan lưới điện và cáp viễn thông do đơn vị quản lý vận hành.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương đã có nhiều văn bản đề nghị ngành điện thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn điện, duy tu bảo dưỡng đối với hệ thống lưới điện thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện; tăng cường phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị truyền thông tuyên truyền các nội dung về việc sử dụng điện an toàn, hiệu quả; huy động lực lượng và các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất khi sự cố xảy ra.
Đối với tình trạng mạng lưới điện và cáp viễn thông còn gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, trong những năm vừa qua Sở Công Thương đã phối hợp ngành điện và viễn thông tham mưu UBND Thành phố cho triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng nêu trên, cụ thể về giải pháp trước mắt, ngành điện đã phối hợp các đơn vị viễn thông triển khai chỉnh trang, làm gọn dây thông tin tại các tuyến phố, xử lý các điểm mất an toàn nhằm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Về giải pháp lâu dài, triển khai thực hiện ngầm hóa đồng bộ hệ thống cáp điện lực và cáp viễn thông nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao độ tin cậy trong quá trình quản lý vận hành, góp phần chỉnh trang, cải thiện mỹ quan đô thị.
Đối với tình hình thực hiện ngầm hóa lưới điện tại TP. Hồ Chí Minh, công tác ngầm hóa lưới điện đã được Thành phố triển khai thực hiện từ những năm 2010 đến nay với đề án ngầm hóa lưới điện theo các giai đoạn 2010 - 2015, 2016 - 2020 và hiện nay đang tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch ngầm hóa số 1642/KH-UBND ngày 21/5/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu ngầm hóa lưới điện trung thế đạt tỷ lệ 50 - 60%. Trong đó, các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80 - 90%, riêng các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa xấp xỉ 100%. Đối với lưới hạ thế đặt mục tiêu đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 35 - 40%, trong đó khu vực trung tâm Thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa 80%.
Sau thời gian thực hiện đã đạt được những kết quả như sau: đối với lưới điện trung thế, tỷ lệ ngầm hóa toàn Thành phố đạt 47,0%, trong đó các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 78,9%, riêng các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa 99%. Đối với lưới điện hạ thế, tỷ lệ ngầm hóa toàn Thành phố đạt hơn 20%, trong đó, khu vực Trung tâm Thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa 71,2%.
Uyển Nhi