TP HCM quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 15

11:55 14/06/2021

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM diễn ra vào sáng 14/6, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TPHCM theo các nội dung của Chỉ thị 15/CT-TTg kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Thời gian giãn cách tiếp theo là 14 ngày kể từ ngày 15/6.

Theo đánh giá, tại TPHCM, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, vì thế, TPHCM quyết định tiếp tục giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần. Quyết định được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 819 ca nhiễm - xếp thứ ba cả nước và trải qua 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. 

Như vậy, thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0h ngày 15-6 (thứ ba) như chỉ đạo trước đó, TP.HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần cho đến 0h ngày 29-6.

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng trên địa bàn TPHCM từ ngày 18/5 đến ngày 13/6 là 821 ca, phát hiện tại 22 quận huyện, TP Thủ Đức.

Các quận huyện có số ca bệnh nhiều nhất Gò Vấp (115 ca, 14/15 phường có ca bệnh), quận 12 (72 ca, 7/11 phường có ca bệnh), Bình Thạnh (66 ca 9/20 phường có ca bệnh), Tân Bình (63 ca, 10/15 phường có ca bệnh), Bình Tân (61 ca, 7/11 phường có ca bệnh), Tân Phú (51 ca, 11/11 phường có ca bệnh). Chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, từ ngày 26/5 đến nay có 470 trường hợp mắc COVID-19 đã được công bố, được phát hiện tại 2l/22 quận huyện, TP Thủ Đức. Hiện chuỗi lây nhiễm này cơ bản đã được kiểm soát.

 Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp sáng 14/6 (Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM).

Dịch Covid-19 tại TpHCM đang lan nhanh và rộng

Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố.
Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hó a. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Trong thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan. Kiểm soát chặt các khu vực phong tỏa và các khu cách ly;
Tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung;
Triển khai tầm soát đối với các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 không chỉ tại bệnh viện mà còn ở cộng đồng.

TPHCM sẽ tiếp tục quan sát tình hình thực tế tại các địa phương trong 1 tuần tiếp theo để quyết định thực hiện chỉ thị nào cho phù hợp.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các nơi thực hiện chưa nghiêm những nơi tụ tập đông người, không chấp hành Chỉ thị 15. Chủ tịch quận huyện để xảy ra ca nhiễm phải chịu trách nhiệm.

Chủ tịch UBND TPHCM dẫn chứng về những trường hợp như ở quận 12 (rủ người đến nhà nhậu, 6 người nhiễm COVID-19) thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Người đứng đầu các bệnh viện phải tăng cường các biện pháp hơn nữa, triển khai nhanh chóng các biện pháp sàng lọc, không để xảy ra tình trạng như tại các bệnh viện trong đó có việc lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Thông báo rộng rãi để những người biết những địa điểm có ca nhiễm để người liên quan biết và thực hiện khai báo.

Ông Phong đề nghị, các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các chỉ đạo của UBND TPHCM. Nhân viên y tế hạn chế tiếp xúc với mọi người sau khi kết thúc ca làm việc. 

Phạm.Giang