TP. Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp

00:00 12/10/2020

Với quyết tâm tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án cụm công nghiệp để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Mặc dù chịu ảnh hưởng xấu của tình hình kinh tế thế giới, song thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Hà Nội vẫn có sự tăng trưởng khá, đặc biệt là các dự án FDI. Theo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian tới bên cạnh các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thì vấn đề  đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng. Theo đó, thành phố đã ban hành Công văn số 6586/VP-KT, ngày 10/8/2020, về triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm  phát triển mạnh các cụm công nghiệp thời gian tới.

Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cụm công nghiệp để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã và đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện đại, tiên tiến. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua bước đầu đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Các cụm công nghiệp này hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, trong đó, có 1.392 ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Chỉ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020, trên địa bàn thành phố thành lập mới 19 cụm công nghiệp.

Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với các cụm công nghiệp mới thành lập, thành phố xác định tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp như sau: Ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, hiện đại; thân thiện môi trường; di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề tại khu dân cư ra khu vực sản xuất tập trung nhưng phải đảm bảo các tiêu chí trên. Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo định hướng: Công nghiệp xanh, sạch (tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn); ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Đảm bảo việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung áp dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại; xây dựng hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời; bố trí địa điểm tập kết, thu gom chất thải: chất thải công nghiệp, rác thải. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại (đường giao thông, kho bãi, bãi để xe, cửa hàng xăng dầu, trạm nạp điện...).

Có thể thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô. Trong tháng 7/2020, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục có chuyển biến tích cực, nhiều ngành đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên một số ngành, lĩnh vực như du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu… còn bị ảnh hưởng lớn. Với quyết tâm tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh,  thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án cụm công nghiệp để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo thông tin của Sở Công thương Hà Nội, 19 cụm công nghiệp mới đây là đợt đầu tiên thành phố Hà Nội triển khai thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017, của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Vì vậy, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những lúng túng từ chủ đầu tư đến các nhà thầu, thậm chí cả các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp. Thực tế cũng cho thấy, ngoài 5 cụm công nghiệp được thành lập từ năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 14 cụm công nghiệp được thành lập năm 2019 và 2020. Đến nay mới có 4/14 cụm công nghiệp bảo đảm tiến độ; 10 cụm còn lại tiến độ còn chậm so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân hầu hết là do các chủ đầu tư chưa chủ động báo cáo nội dung vướng mắc hoặc chưa quyết liệt trong triển khai; phần lớn dự án phải thu hồi đất nông nghiệp, liên quan đến nhiều hộ dân. Cá biệt, có dự án phải lập lại quy hoạch chi tiết 1/500 do thay đổi chủ đầu tư hoặc chồng lấn với dự án khác.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, mới đây Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 6586/VP-KT, ngày 10/8/2020, về triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã giao các sở, ngành liên quan, UBND các huyện: Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng, Thanh Oai khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư các cụm công nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định và tiến độ được phê duyệt. UBND thành phố cũng giao Sở Công thương Hà Nội rà soát, tham mưu, đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp triển khai chậm tiến độ do năng lực của chủ đầu tư.

Nguyễn Minh