Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh

18:09 03/03/2021

Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa Quyết định 781/QĐ-BNN-TCCB về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua yêu nước "Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh" giai đoạn 2021-2025.

Thông qua phong trào thi đua nhằm khuyến kích động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành Nông nghiệp và PTNT thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các tập thể, cá nhân trong toàn ngành thực hiện về đích trước thời hạn nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành hàng năm và giai đoạn 05 năm (2021 – 2025). Thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. 

Hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: Tư liệu
Hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: Tư liệu. 

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch như sau: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,8- 3,2%/năm; Đến năm 2025 tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn,hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 52,27 tỷ USD (2025); thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn năm 2025 tăng ít nhất 1,6 lần năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 42% với năng suất, trữ lượng, chất lượng năm 2025 cao hơn 20% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, các cụm, khối thi đua, các cơ quan, đơn vị trong Bộ, ngành tổ chức phát động, ký giao ước thi đua thực hiện phong trào thi đua. Cụ thể hóa thành phong trào thi đua nhánh, chuyên đề phù hợp với cụm, khối, đơn vị cùng với việc ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua trong Quý I, II năm 2021.

Trong suốt 75 năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã luôn nỗ lực, đoàn kết để vượt qua khó khăn, thử thách; chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Khẳng định nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ, then chốt. Ảnh: Tư liệu
Khẳng định nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ, then chốt cho sự ổn định và phát triển kinh tế. Ảnh: Tư liệu. 

Với tinh thần “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”,“thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, các phong trào thi đua luôn được đẩy mạnh suốt 5 năm qua nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để toàn ngành vượt qua những khó khăn, thách thức, duy trì được đà tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ, then chốt cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế.

Trong 5 năm (2016 - 2020), tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8 - 3%, đây là tốc độ cao trên thế giới. Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô sản xuất nông sản của nước ta ngày một lớn mạnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra; thứ 2 thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới.

Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Năm 2019, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 39,3 triệu đồng/người, năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh còn 4,29% năm 2020.

Minh Hải