Tình hình và dự báo cho năm 2022 về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt của Phần Lan

11:17 27/12/2021

Phần Lan - quốc gia Bắc Âu là một trong những thị trường quan trọng và có mức tăng trưởng thương mại vượt bậc của Việt Nam đặc biệt kể từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Thủ đô Helsinki

Thủ đô Helsinki của Phần Lan. (Ảnh: Scandification)

Theo tổng hợp, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Phần Lan đã tăng gần 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chuyên môn nhận định rằng, nhiều khả năng kim ngạch thương mạigiữa 2 nước khi kết thúc năm nay sẽ vượt qua mức cao nhất trong giai đoạn 2010 – 2020  vào năm 2017. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Phần Lan.

Theo số liệu cụ thể,  kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Phần Lan trong giai đoạn tháng 7 - tháng 9 đã giảm mạnh so với quý trước đó do ảnh hưởng của Đại dịch trong nước bùng phát, đạt gần 51 triệu USD, giảm hơn 37% so với quý 2 năm nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của chúng ta bao gồm sản phẩm từ sắt thép; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may và nguyên phụ liệu dệt may đã giảm mạnh so với quý 2 năm 2021. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; cao su; cà phê tăng. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Phần Lan trong tháng 7 - tháng 9 năm nay đã có những tín hiệu tích cực khi xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực tăng trừ xuất khẩu giày dép các loại, hàng dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, cà phê và sản phẩm gỗ giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng sang thị trường Phần Lan tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi các doanh nghiệp tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA đặc biệt là các mặt hàng sản phẩm từ sắt thép; giày dép các loại; máy móc thiết bị phụ tùng. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Phần Lan sẽ tăng trưởng tích cực khi Đại dịch tại nước này cơ bản đã được kiểm soát và quốc gia chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Omicron, các doanh nghiệp đang dần phục hồi sản xuất và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của nước này cho dịp nghỉ lễ cuối năm ở mức cao. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục là động lực to lớn cho xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Phần Lan.

Giới chuyên môn nhận định nhu cầu nhập khẩu hàng Việt của Phần Lan sẽ còn có những bước tăng trưởng lớn trong 2022 do sự phục hồi của kinh tế Phần Lan và ưu đãi về thuế quan theo cam kết của Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục là tín hiệu tích cực càng rõ ràng hơn khi thị phần hàng Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Phần Lan đã tăng lên - nhưng vẫn ở mức rất thấp, đặc biệt là với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: giày dép các loại, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo. Do vậy, giới chuyên môn nhận định, dư địa cho Việt Nam tại đất nước này là rất lớn. Bên cạnh đó, cơ hội còn đến cho các ngành dệt may của chúng ta khi đất nước Bắc Âu này chủ yếu nhập khẩu quần áo cho tiêu dùng do ngành công nghiệp dệt may của Phần Lan hiện nay rất hạn chế do hầu hết quá trình sản xuất đã được chuyển đến các nước có chi phí thấp ở Đông Âu và châu Á. 

Đỗ Giang