Ngày 22/5, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức công bố hệ thống phân loại quốc gia theo mức độ rủi ro trong khuôn khổ Quy định chống phá rừng (EUDR) – một sáng kiến then chốt của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với tình trạng mất rừng toàn cầu. Theo bảng phân loại này, Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” – kết quả mang ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với ngành nông-lâm sản xuất khẩu mà còn khẳng định những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong thực thi các cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo Quy định EUDR, các sản phẩm có nguy cơ góp phần vào phá rừng – bao gồm gỗ, cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu nành, cao su, thịt bò và các sản phẩm phái sinh như da, chocolate, đồ nội thất – khi nhập khẩu vào EU phải đáp ứng các yêu cầu chứng minh rõ ràng về tính hợp pháp và nguồn gốc không liên quan đến phá rừng sau ngày 31/12/2020. Trong bối cảnh đó, việc được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ được áp dụng quy trình thẩm định đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.
![]() |
Tin vui cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU |
Chỉ có bốn quốc gia bị liệt vào danh sách “rủi ro cao”, gồm Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga. Trong khi đó, những quốc gia có lịch sử phá rừng nghiêm trọng như Brazil hay Indonesia chỉ được xếp vào nhóm “rủi ro tiêu chuẩn”. Việc Việt Nam vượt lên nhiều quốc gia lớn để nằm trong nhóm ưu tiên thể hiện sự ghi nhận của EU đối với tiến bộ đáng kể trong quản lý tài nguyên rừng và minh bạch chuỗi cung ứng.
Ngoài việc phân loại quốc gia, Ủy ban châu Âu còn công bố một loạt điều chỉnh nhằm giảm thiểu gánh nặng hành chính và chi phí tuân thủ đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài EU. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn sẽ được phép tái sử dụng bản kê khai thẩm định trước đó nếu tái nhập khẩu hàng hóa đã từng đưa vào thị trường châu Âu.
EC cũng đã phát hành hướng dẫn kỹ thuật và bộ câu hỏi thường gặp (FAQ) từ ngày 15/4, nhằm hỗ trợ các bên liên quan trong việc chuẩn bị tuân thủ EUDR. Tính đến giữa năm 2024, EC đã tổ chức hơn 300 cuộc họp, 50 hội thảo trực tuyến và biên soạn tài liệu đào tạo được dịch ra 50 ngôn ngữ, cho thấy mức độ đầu tư nghiêm túc và cam kết đồng hành cùng các nước đối tác.
Đặc biệt, sáng kiến “Team Europe” – một cơ chế phối hợp nguồn lực của EU và các quốc gia thành viên – đã được tăng ngân sách lên 86 triệu euro, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chuyển đổi sang chuỗi cung ứng hợp pháp, không gây mất rừng và thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh EUDR sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2025, việc được phân loại là “rủi ro thấp” là một lợi thế chiến lược giúp Việt Nam không bị gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời củng cố uy tín trên thị trường EU – một trong những thị trường khó tính nhất thế giới về tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc, đầu tư vào hệ thống kiểm soát nội bộ, và cập nhật kịp thời các yêu cầu kỹ thuật từ phía EU. Chỉ khi đảm bảo được sự đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn sản xuất, Việt Nam mới có thể duy trì và phát huy vị thế “rủi ro thấp” trong dài hạn.