Tín dụng vào lĩnh vực thiết yếu và ưu tiên, kiểm soát vào bất động sản

10:16 14/09/2022

Mặc dù các ngân hàng đã được NHNN nới thêm room tín dụng, song dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm cũng không nhiều, vì room được nới rất hạn chế.

Ảnh minh họa
Dư địa cho vay trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế. 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room cho 15 ngân hàng, nhưng mức nới không nhiều. Vì vậy, các ngân hàng chỉ ưu tiên giải ngân vốn vào lĩnh vực thiết yếu, thay vì bất động sản.

Đại diện Vietcombank chia sẻ, sau khi được NHNN cho phép tăng thêm dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ quá trình phục hồi, phát triển kinh tế và các doanh nghiệp.

Vietcombank được chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2022. Hết tháng 8/2022, ngân hàng này đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm, nên dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng trong 4 tháng còn lại của năm. Như vậy, cả năm 2022, Vietcombank đã được tăng tín dụng ở mức 17,7%.

Theo ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng Giám đốc VIB, room tín dụng mà Ngân hàng được cấp thêm là 3%. VIB sẽ dùng nguồn lực bổ sung này vào thế mạnh của mình là cho vay tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với room tín dụng vừa được cấp thêm 4%, tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm của Sacombank nâng lên 11%. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, ngân hàng này còn dư địa tăng trưởng hơn 15.000 tỷ đồng đến hết năm nay.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, Ngân hàng sẽ ưu tiên room tín dụng được NHNN cấp thêm vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, giải quyết bài toán hỗ trợ khách hàng cá nhân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả... Với bất động sản, Sacombank tiếp tục hạn chế cho vay hoặc chỉ thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Mặc dù các ngân hàng đã được NHNN nới thêm room tín dụng, song dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm cũng không nhiều, vì room được nới rất hạn chế. Vì thế, tín dụng sẽ được ưu tiên vào lĩnh vực thiết yếu và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát vào bất động sản.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước trên 3.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng trước đó và tăng 11% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 55,2% tổng dư nợ, tăng 0,41% so với cuối tháng trước và tăng 12,77% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,8%, tăng 0,39% so với cuối tháng 7/2022, tăng 8,91% so với cuối năm 2021.

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đưa ra nhận định, ngành bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khả năng lãi suất đầu vào - đầu ra tiếp tục tăng và việc kiểm soát chặt hơn hoạt động tín dụng bất động sản của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của các dự án, dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 - 2023.

Hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

Chủ trương kiểm soát tín dụng chảy vào thị trường bất động sản hiện nay cũng được cho là nguyên nhân chính đẩy lãi vay mua nhà tăng cao. Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thường có thời gian dài, khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản trung, dài hạn từ 10 đến 30 năm, trong khi nguồn huy động của tiết kiệm chủ yếu là ngắn hạn. Do đó, tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống nói riêng và nền kinh tế nói chung.

P.V