Khoảng 2,5 triệu tỷ đồng "bơm" vào nền kinh tế, thị trường bất động sản sẽ bứt phá Tín dụng bất động sản 2025: Đầu tư ngay hay đừng vội ? |
Tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh tính đến hết tháng 4/2025 đã vượt 1,116 triệu tỷ đồng, theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 công bố. Con số này tương đương 28% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn – tiếp tục khẳng định bất động sản vẫn là một trong những kênh hút vốn mạnh mẽ nhất tại thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, phía sau bức tranh dư nợ tăng trưởng lại là một thị trường phân hóa rõ rệt. Trong khi dòng tiền có xu hướng chảy về nhóm nhà ở để ở, đất nền vùng ven thì phân khúc căn hộ lại rơi vào trạng thái “ngủ đông”, cả về nguồn cung lẫn thanh khoản.
![]() |
Tín dụng bất động sản TP Hồ Chí Minh vượt 1,1 triệu tỷ đồng (Ảnh: Minh họa) |
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, tăng trưởng tín dụng bất động sản dù chưa thật sự ổn định qua từng tháng nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn TP. Hồ Chí Minh, hiện là 2,62%. Riêng tín dụng phục vụ nhu cầu mua nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây sửa nhà chiếm đến 65% dư nợ bất động sản, đạt khoảng 727.000 tỷ đồng – cho thấy nhu cầu thật vẫn là lực kéo chính của thị trường.
Đáng chú ý, dòng vốn vào nhà ở xã hội đang có dấu hiệu phục hồi. Tính đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng cho phân khúc này đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 4,84% so với tháng trước – mức tăng cao nhất trong ba tháng gần đây. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, còn người dân có thu nhập trung bình và thấp đang rất “khát” nơi an cư vừa túi tiền.
Trong khi đó, thị trường đất nền tại vùng ven TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các tỉnh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang có những chuyển động tích cực. Theo báo cáo của DKRA Group, trong quý I/2025, khu vực này ghi nhận hơn 6.530 sản phẩm đất nền được chào bán sơ cấp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù tỷ lệ tiêu thụ vẫn ở mức khiêm tốn – đạt 6,6% với khoảng 430 nền được giao dịch – nhưng con số này đã gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2024, thời điểm thị trường gần như đóng băng. Long An và Bình Dương tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới, cho thấy nhà đầu tư vẫn tin vào tiềm năng quỹ đất vùng giáp ranh TP. Hồ Chí Minh khi hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện.
Trái ngược với tín hiệu phục hồi từ đất nền và nhà ở xã hội, phân khúc căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với một quý đầu năm đầy u ám. Theo Knight Frank Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2025, chỉ có 689 căn hộ được bán thành công, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 16% – mức thấp nhất trong nhiều quý gần đây.
Tổng quan thị trường cho thấy, dòng vốn tín dụng bất động sản đang “chảy ngầm” nhưng không tràn lan như những giai đoạn nóng sốt trước đây. Nhà đầu tư, ngân hàng và cả người mua nhà đang cùng thận trọng hơn, đặt yếu tố thực tế và pháp lý lên hàng đầu thay vì chạy theo kỳ vọng tăng giá.
Giới chuyên gia nhận định, việc tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng trong bối cảnh siết chặt dòng tiền và lọc sạch pháp lý là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thị trường sẽ không có sự hồi phục toàn diện mà là phục hồi có chọn lọc – tập trung vào những phân khúc đáp ứng đúng nhu cầu và có nền tảng pháp lý minh bạch.
Về trung hạn, xu hướng đô thị hóa, nhu cầu sở hữu nhà ở vẫn là động lực dài hạn của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Những địa phương có hạ tầng kết nối tốt, thủ tục pháp lý rõ ràng, giá cả hợp lý sẽ thu hút dòng tiền thông minh hơn, thay vì chỉ dựa vào kỳ vọng tăng giá như trước.
Tín dụng bất động sản TP. Hồ Chí Minh vượt mốc 1,1 triệu tỷ đồng cho thấy niềm tin vào thị trường vẫn hiện hữu, nhưng cũng phản ánh một giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ trong lĩnh vực địa ốc.
Năm 2025 sẽ là năm bản lề, quyết định xu hướng tăng trưởng mới của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh: từ hỗ trợ tín dụng, cải cách thủ tục pháp lý, đến phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu thật.