Toàn khu vực phía Tây thuộc các địa phương ven sông Tiền hiện có khoảng 14.500 ha sầu riêng. Trong đó có khoảng 3.000 ha thuộc 2 xã cù lao là Tân Phong và Ngũ Hiệp. Để bảo vệ vườn sầu riêng an toàn với diễn biến xâm nhập mặn mùa khô 2023, chính quyền các xã tiến hành thực hiện các công trình củng cố hệ thống đê bao ở các ấp, nạo vét hệ thống thủy lợi bằng cơ giới, gia cố các cửa cống lớn, vận động người dân tự gia cố hệ thống bờ bao quanh vườn, nạo vét mương vườn dự trữ nước ngọt để đủ tưới cho cây trong mùa khô.
Đặc tính của cây sầu riêng đòi hỏi phải có thời gian khô hạn (nhiệt độ cao và độ ẩm thấp) để phân hóa mầm hoa, nếu thời gian khô hạn không hợp lý sẽ khiến sầu riêng ra hoa ít hoặc hoa rải rác, không đồng đều ảnh hưởng đến quá trình tạo quả sau này.
Tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, do sản xuất rải vụ nên hiện cùng lúc có nhiều lứa sầu riêng khác nhau, bao gồm đang ra hoa hoặc trái nhỏ hoặc sắp thu hoạch. Vì vậy, nguồn nước cần cung cấp cho cây rất lớn. Những ngày qua, mặc dù mực nước trên hệ thống kênh thủy lợi công cộng vẫn còn cao, song nhà vườn vẫn không chủ quan mà đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nước trong các mương vườn hoặc đã trữ sẵn nước hồ chứa, sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra tình huống nắng nóng kết hợp với xâm nhập mặn.
Bắt đầu từ ngày 20/2/2023, độ mặn trên sông Tiền có xu hướng tăng trở lại theo nước triều nhưng vẫn ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Độ mặn đo được trên sông Hàm Luông, cách cửa sông 45 km là 2,2g/l. Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nhà vườn tổ chức chăm sóc, phòng ngừa tốt sâu bệnh gây hại để giúp cây khỏe, tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi trong mùa khô, xâm nhập mặn. Riêng đối với cây mang hoa và trái nghịch vụ, nhà vườn cần kiểm tra độ mặn dưới 01g/l thì mới tưới cho cây.
Bích Liên /Theo TH Tiền Giang