Tiềm lực, vị thế và tương lai của Việt Nam từ góc nhìn quốc tế

18:28 21/01/2023

Theo trang tin của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam đã đảo ngược xu hướng tăng trưởng yếu của châu Á trong năm nay. Với những điểm sáng lạc quan đó, dưới góc nhìn quốc tế, dường như vị thế và tiềm lực của Việt Nam đã được tăng lên rất nhiều. Nhân dịp xuân mới Quý Mão, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập gửi tới quý bạn đọc ý kiến đại diện các nước về góc nhìn tổng quan của Việt Nam trong năm 2022 đầy biến động và đưa ra kỳ vọng cho năm 2023.

 

Ông Jiri Kozak - Thứ trưởng Ngoại giao CH Czech
Ông Jiri Kozak - Thứ trưởng Ngoại giao CH Czech.

Ông Jiri Kozak - Thứ trưởng Ngoại giao CH Czech: Năm 2023 sẽ mở ra những chân trời hợp tác mới trong các lĩnh vực khác nhau

Trong khu vực Đông Nam Á và trên thực tế là toàn châu Á, không có quốc gia nào có mối quan hệ chặt chẽ với Séc như Việt Nam. Ngoài ra, cũng không một quốc gia châu Á nào có thái độ tích cực đối với đất nước chúng tôi hơn Việt Nam, điều này cũng đúng với cộng đồng người Séc. Tiệp Khắc và sau này là Cộng hòa Séc đã đồng hành cùng Việt Nam từ lâu.

Hơn một phần tư triệu công dân Việt Nam đã sang học hoặc đào tạo nghề trong những năm 70 và 80 ở Tiệp Khắc và chúng ta vẫn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ từ đó cho đến ngày nay. Với sự hiện diện mạnh mẽ và tầm quan trọng của người Việt Nam, chính phủ Séc đã chính thức công nhận cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Séc là nhóm dân tộc tiểu số vào năm 2013.

Cuối năm 2021, Cộng hòa Séc đã cung cấp cho Việt Nam gần một triệu liều vắc xin, điều này cho thấy 2 quốc gia chúng ta và đặc biệt là người dân của chúng ta gần gũi với nhau như thế nào.

Với kim ngạch thương mại song phương giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam đã đạt 2 tỷ USD vào năm 2021, tôi có thể tự tin nói rằng quan hệ thương mại giữa hai nước chúng ta đang ngày càng phát triển. Đại dịch đã tạo ra nhiều khó khăn cho hoạt động hợp tác kinh tế giữa 2 nước do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại quốc tế, nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai quốc gia đã nỗ lực hết mình để phát triển ngày một thịnh vượng, phục hồi và duy trì kết nối. Cả hai bên đều mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế ở cả cấp chính phủ và doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Cộng hòa Séc tại khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi nhận thấy rằng trong thập kỷ qua, Việt Nam đã cải thiện đáng kể các điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế. Tất cả các yếu tố như tăng trưởng kinh tế mạnh, ổn định, hiện đại hóa nhanh đã làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài. Tôi tin rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Nhìn về tương lai gần, với việc nhà đầu tư và công ty nước ngoài nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam và các quy trình thủ tục hành chính đang dần trở nên đơn giản hóa, chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến để kinh doanh và đầu tư. Chúng tôi tin rằng tiềm năng hợp tác kinh tế chung là rất lớn và năm 2023 sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cũng như mở ra những chân trời hợp tác mới trong các lĩnh vực khác nhau.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh doanh và đầu tư. Một trong những kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của chúng tôi vào năm 2023 sẽ là nhà sản xuất ô tô của Séc Skoda Auto mở nhà máy tại Việt Nam.

Một điểm sáng nữa trong quan hệ giữa 2 nước là văn hóa, văn học và ngôn ngữ. Chúng tôi đang tìm cách xây dựng và phát triển sự hợp tác dựa trên những điểm sáng này, qua đó góp phần đưa cả 2 quốc gia xích lại gần nhau hơn.

Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác là quốc phòng, một trụ cột vững chắc trong quan hệ của 2 nước chúng ta. Séc sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án tập trung vào hiện đại hóa quân đội và không quân Việt Nam. Tôi tin rằng việc chuyển giao máy bay L-39NG của Séc sẽ góp phần nâng cao kinh nghiệm huấn luyện cho các phi công quân đội Việt Nam.

Tôi rất hoan nghênh việc khai trương đường bay thẳng giữa Hà Nội và Praha trong thời gian tới. Việc này đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng đường bay thẳng vẫn chưa hoạt động, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc mở đường bay thẳng sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi khía cạnh của quan hệ 2 nước bao gồm thương mại, đầu tư và du lịch. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách Séc với tiềm năng trở thành quốc gia được du khách ghé thăm nhiều nhất trong khu vực. Đường bay thẳng là bước đi hợp lý để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Séc trên mọi lĩnh vực.

Trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế, một trong những thách thức mà tôi cho là quan trọng đối với Việt Nam là đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Một mặt, đây sẽ là một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều trách nhiệm và mặt khác, là một cơ hội lớn để Việt Nam tiến lên. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá khứ và hỗ trợ Việt Nam cải thiện trong lĩnh vực này.

Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.

Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam: Việt Nam sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu để các doanh nghiệp Đức đầu tư

Việt Nam đang có điều kiện cần để các nhà đầu tư Đức hướng đến. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng nhanh, là một trong các quốc gia có tốc độ và duy trì sự tăng trưởng tốt nhất trong khu vực. Chính vì thế, các nhà đầu tư Đức lựa chọn Việt Nam là điểm đến phù hợp.

Tôi rất ấn tượng trước những tiến bộ vượt bậc và thành công của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Tất cả những thành tựu này không chỉ được các tổ chức quốc tế ghi nhận, mà đặc biệt, còn được các công ty quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá cao. Các tổ chức quốc tế đã nhận định tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam tăng liên tục trong thời gian qua, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia khác tại châu Á. Từ những đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới khá lạc quan.

Việt Nam đã tận dụng tốt vị thế của mình là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như những lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Tôi tràn đầy sự lạc quan cũng như tin tưởng về tình hình hiện tại, hiện Đức và Việt Nam là đối tác thương mại rất lớn, và gần như là đối tác thương mại lớn nhất của  nhau trong khu vực. Sự tăng trưởng về thương mại song phương của 2 nước chúng ta vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong những năm vừa qua. Tôi rất mong cũng như tin tưởng rằng cả 2 nước chúng ta sẽ tận dụng được lợi thế từ việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Cùng với đó là chính sách Trung Quốc + 1 thì tôi rất hy vọng rằng môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ là sự lựa chọn có lợi cho các nhà đầu tư. Trong tương lai, tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu để các doanh nghiệp Đức hướng đến đầu tư. 

Về nguyện vọng với Chính phủ Việt Nam trong năm 2023, tôi mong muốn 2 điều:

Thứ nhất, khi doanh nghiệp Đức vào Việt Nam, họ không muốn thành những ốc đảo riêng mà chúng tôi muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, ở đây còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Tôi mong rằng trong năm 2023 tới, chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam để họ trở nên mạnh mẽ và nhiều tiềm năng hơn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt đủ tiềm năng hợp tác với thêm nhiều doanh nghiệp Đức. Tôi cho rằng việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước khi mà hầu hết các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt đến từ Đức, đang tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam là điều hết sức quan trọng. 

Thứ hai là về giáo dục và dạy nghề. Nếu những doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, họ đều cần tìm những kỹ sư, những kỹ thuật viên giỏi, điều này đồng nghĩa là sẽ cần một chất lượng đào tạo dạy nghề phải tương ứng. Tôi mong Chính phủ Việt Nam cần phải chú trọng phát triển hơn nữa về giáo dục, dạy nghề. Điều quan trọng là cần có một hệ thống đào tạo nghề phù hợp để phục vụ cho phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Ông Michele D’Ercole - Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam - Ý (ICHAM)
Ông Michele D’Ercole - Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam - Ý (ICHAM).

Ông Michele D’Ercole - Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam - Ý (ICHAM): Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp Italy

Hoạt động về chính trị và kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Italy đang phát triển rất nhiều trong những năm qua. Kể từ năm 2012, nhiều công ty quan trọng của Italia đã được thành lập tại đây. Điển hình có thể kể đến như nhà Piago, Carvico, Datalogic, …, và điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với Italy. Hai nước đã có mối quan hệ gắn kết và thân thiết kể từ khi Italy thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973.

Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Italy trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù trong việc kết nối giao thương, cũng có những nước có nền kinh tế phát triển mạnh hơn như Singapore, Indonesia, hay Malaysia,.. nhưng Việt Nam vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp Italy.

Kể cả trong chiến lược phát triển kinh tế đối với các nước khác, Italy vẫn thường xuyên ưu tiên lựa chọn Việt Nam. Một trong những lý do của việc lựa chọn đó chính là kể từ khi Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết. Hiệp định đã nâng vị thế của Việt Nam vì không phải quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á cũng ký kết Hiệp định này, chính điều đó đã thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ từ Italy vào Việt Nam.

Trong năm 2022, chúng ta đã thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam chịu thiệt hại bởi Covid 19 suốt 2 năm qua. Tuy nhiên nửa cuối 2022 đã cho thấy nhưng tín hiệu rất tích cực. 

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 6%, đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Ở cương vị là cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì những cố gắng của chính phủ trong việc thắt chặt, cải thiện mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp

Trong năm 2023 tới, các doanh nghiệp Italy rất mong chờ sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng bởi vì cơ sở hạ tầng là chìa khoá để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Hơn nữa việc đầu tư này sẽ giúp kết nối các thành phố lớn, các ngành công nghiệp với nhau và đặc biệt là ngành logistic vì đây là ngành quan trọng của các công ty nội địa để nâng cao doanh thu. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Italy cũng rất quan tâm đến vấn đề nâng cao trình độ người lao động thông qua trường lớp và các khoá đào tạo thích hợp. Việt Nam đang muốn thu hút đầu tư vào công nghệ hay kinh tế xanh thì điều tất yếu là đội ngũ nhân sự phải đạt trình độ cao. Đồng thời năm tới, các doanh nghiệp Italy mong muốn các thủ tục hành chính cần phải được đơn giản hoá.

Năm 2023 sẽ kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy. Với ICHAM, chúng tôi sẽ kỷ niệm 15 năm thành lập. Do đó, năm 2023 là năm đặc biệt quan trọng với chúng tôi. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai nước. ICHAM sẽ tổ chức hội thảo ở nhiều lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn tiếp tục với lĩnh vực phát triển bền vững, lĩnh vực thời trang. Chúng tôi đã xây dựng rất nhiều dự án trong lĩnh vực thời trang. ICHAM đang hỗ trợ 1 dự án phối hợp với Golden Heritage nhằm giao lưu văn hóa giữa Italy và Việt Nam mang tên “Áo dài heritage - The culture of tình thương” (Di sản Áo dài - Văn hóa của tình thương). 

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục rất nhiều dự án khác ở các lĩnh vực khác như lĩnh vực F&B (kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống), lĩnh vực công nghiệp máy móc, tự động hóa… Chúng tôi sẽ mang các công ty Italy đến Việt Nam và công ty Việt Nam đến Italy. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các nhân sự tài giỏi. Nhìn chung, năng lực của đội ngũ nhân sự tại Việt Nam rất tốt, đang ở độ tuổi vàng khi phần lớn dưới 40 tuổi. 

ICHAM  ở đây để hỗ trợ chính phủ với các hoạt động FDI, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động này trong 2023. 

Tôi biết Việt Nam đang ký hơn 15 Hiệp định thương mại tự do, điều này có nghĩa chính phủ Việt Nam rất cởi mở trong hoạt động kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong năm 2023 tới, tôi hi vọng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cởi mở, tạo ra môi trường tốt cho các công ty nước ngoài đầu tư và kinh doanh vào Việt Nam. Tôi cũng mong sẽ có chuyến bay thẳng được thiết lập giữa Việt Nam và Italy bởi vì giao thông, vận chuyển là yếu tố quan trọng để thành công trong kinh doanh.

Bảo Trinh