Mức thuế ưu đãi này sẽ được áp dụng từ ngày 19/5/2025 đến hết năm 2026, trước khi quay lại mức 10% kể từ ngày 1/1/2027.
![]() |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2025/NĐ-CP ngày 19/5/2025, sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP, trong đó quy định giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng từ 10% xuống còn 5%. |
Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp trong ngành có thêm dư địa để điều chỉnh sản xuất, giải quyết tồn kho và vượt qua những khó khăn hiện tại trong xuất khẩu. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm hỗ trợ ngành xi măng phát triển ổn định và bền vững.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có 92 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế hơn 122 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2024, tổng lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 95 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 29,7 triệu tấn – giảm 5% về khối lượng và giảm hơn 14% về giá trị so với năm 2023.
Nhiều nhà máy chỉ hoạt động với 77% công suất thiết kế, một số phải ngừng hoạt động kéo dài do tồn kho lớn và áp lực cạnh tranh trong nước. Tình trạng dư cung khoảng 60 triệu tấn/năm khiến xuất khẩu trở thành kênh tiêu thụ quan trọng để giảm áp lực trong nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Sau giai đoạn đỉnh cao vào năm 2021 với hơn 45 triệu tấn và doanh thu gần 1,8 tỷ USD, xuất khẩu clanhke và xi măng liên tục giảm trong ba năm gần đây, chỉ duy trì ở mức 29 - 32 triệu tấn/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường Trung Quốc thu hẹp, sự cạnh tranh gay gắt từ các nước như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số thị trường như Philippines và Bangladesh.
Tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất giảm thuế xuất khẩu clanhke nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang cùng các địa phương như Hà Nam rà soát quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng để giải quyết chồng lấn giữa các quy hoạch.
Chính sách giảm thuế lần này không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và tiêu thụ, mà còn tạo điều kiện để ngành xi măng tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm mới, tối ưu hóa chi phí và sử dụng năng lượng hiệu quả như tận dụng nhiệt thải để phát điện. Những giải pháp đồng bộ này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh và hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành trong dài hạn.