Thu thuế 5.000 đồng/bao giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc. Ảnh: ST.
Bổ sung thuế tuyệt đối
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm tăng giá thuốc lá là một giải pháp hiệu quả, chiếm 60% trong tổng số các giải pháp, nhằm giảm sức mua thuốc lá và ngăn ngừa bệnh tật, tử vong do thuốc lá.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WTO tại Việt Nam cho rằng, thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng, dẫn đến giá thành thuốc lá rất rẻ. Tính theo chuẩn quốc tế là “tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ”, thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế Giá trị gia tăng) chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%). Đây cũng là nguyên nhân làm cho tỷ lệ người tham gia hút thuốc lá tăng...
Để giảm thiểu số lượng người hút thuốc lá trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang đưa ra đề xuất từ 1/1/2020 áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp đối với mặt hàng này, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà. Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận của các tổ chức quốc tế.
5.000 đồng/bao là giải pháp tối ưu
Đại diện WHO cho rằng, phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng sẽ giúp giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc lá và tăng thu cho ngân sách khoảng 3.949 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án này mới chỉ giúp đạt 25% mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Mô hình ước tính cho thấy để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thuốc. Khi đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng: Việc Bộ Tài chính tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá là hết sức cần thiết, vừa giúp tăng thu ngân sách vừa giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá của người nghèo và giảm tỷ lệ thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Bằng chứng và xu thế trên thế giới đều cho thấy thuế thuốc lá sẽ hiệu quả hơn nếu chuyển sang thuế hỗn hợp hoặc tốt hơn nữa là chỉ áp dụng thuế tuyệt đối. Về khía cạnh kinh tế, thuế tuyệt đối có tác động chắc chắn lên giá thành, tránh được hiện tượng chuyển giá của nhà sản xuất, giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, giảm các sản phẩm thuốc lá giá siêu rẻ,... Đặc biệt, dễ quản lý thu thuế/ước tính nguồn thu hơn do số thu thuế tính trên số lượng bao thuốc bán ra; giảm hiện tượng chuyển dịch tiêu dùng từ sản phẩm giá cao xuống giá thấp và có hiệu quả tốt hơn trong việc phòng ngừa sử dụng thuốc lá cho giới trẻ và người có thu nhập thấp.
Bà Hải đưa ra 2 phương án: Từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao hoặc 5.000 đồng/bao. Và phương án thuế tăng ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc sẽ tối ưu hơn để giảm tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Là một chuyên gia tích cực trong phòng chống tác hại thuốc lá toàn cầu, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu thu thập bằng chứng về tác hại của thuốc lá, hỗ trợ áp dụng các giải pháp giảm sử dụng thuốc lá, ông Gan Quan- Giám đốc Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá của Liên minh quốc tế phòng, chống lao và bệnh phổi (UNION) cũng cho rằng việc Việt Nam tăng thuế thuốc lá bằng cách bổ sung mức thuế tuyệt đối là cần thiết do cách tính thuế này có nhiều ưu điểm. Song, về mức tăng thuế tuyệt đối, ông Gan Quan khuyến nghị nên tăng 2.000 đồng hoặc 5.000 đồng/bao thay vì 1.000 đồng/bao thuốc lá như đề xuất hiện nay để tỷ lệ hút thuốc có thể giảm nhiều hơn thay vì 1,5%. "Chúng tôi cho rằng cần có mức thuế càng cao càng tốt. Như vậy, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới việc đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc"- chuyên gia của UNION nói.
Đánh giá tác động của tăng thuế thuốc lá đối với sản lượng và việc làm ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Đại học Thương mại chia sẻ kết quả nghiên cứu cho thấy lao động trong ngành thuốc lá ở Việt Nam chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế (226.276 việc làm năm 2016, chiếm 0,42%), trong đó bao gồm 7.845 lao động làm trực tiếp trong ngành sản xuất thuốc lá, 51.511 lao động trong lĩnh vực trồng cây thuốc lá và 166.920 lao động trong lĩnh vực phân phối thuốc lá. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tăng thuế thuốc lá cao hơn sẽ tác động tích cực đến việc làm trong toàn bộ nền kinh tế. Tổng số việc làm trong nền kinh tế sẽ tăng lên từ 13.999 đến 33.831 lao động khi mô phỏng tăng thuế thuốc lá theo các phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao và 5.000 đồng/bao bên cạnh mức thuế suất theo tỷ lệ hiện hành. Kết quả này cũng tương đồng với báo cáo của WB vào năm 2017 cho thấy: “Giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không có nghĩa là giảm tổng mức công ăn việc làm của nền kinh tế. Khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm khác thay thế cho việc làm mất đi trong công nghiệp thuốc lá. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế”.
Hồng Vân