Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Một số nơi cứ đưa powerpoint lên rồi gọi là chuyển đổi số

17:31 01/12/2021

Tại tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp”, ý kiến của ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thẳng thắn chỉ ra: "Một số nơi ứng dụng công nghệ thông tin một cách rất đơn sơ. Cứ đưa powerpoint lên rồi gọi là chuyển đổi số. Một số nơi khác thì dùng Zoom, Canvas... và gọi là chuyển đổi số mà quên đi cấu phần phương pháp và chương trình. Đơn thuần chỉ có đưa lên, một ông lên cứ nói và ông dưới cứ nghe".

Ông Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại tọa đàm
Ông Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại tọa đàm. 

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo,... vào các cơ sở GDNN. Tận dụng các công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động GDNN cũng như cung cấp điều kiện để GDNN thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số. Tuy nhiên, thực trạng còn nhiều bất cập cần giải quyết.

Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là giải pháp bao trùm trong quá trình đổi mới và phát triển GDNN, là yếu tố then chốt hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và yêu cầu tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng GDNN phục vụ phát triển đất nước.

Do đó, toàn hệ thống cần hướng tới những giải pháp để chuyển đổi số một cách hiệu quả như: Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN; Chỉnh sửa, cập nhật nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; Thay đổi phương pháp dạy và học các cấp trình độ GDNN; Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; Phát triển nhà giáo số và học viên số;...

PGS TS Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, cần phải đầu tư các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, vì riêng đối với việc đào tạo nghề thì thực hành là vô cùng quan trọng. Chỉ có các xưởng thực hành ảo mới có thể đáp ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay và giúp quá trình học và giảng dạy thuận tiện hơn.

Ngoài vấn đề hạ tầng, để nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, năng lực dạy học trực tuyến của nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi quyết định đến hiệu quả dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, đối với nhà giáo hiện nay, phần lớn đều xem dạy học trực tuyến là hình thức dạy học hoàn toàn mới và chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nên gặp nhiều lúng túng khi thực hiện. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nền tảng công nghệ số trong dạy học trực tuyến của nhà giáo còn nhiều hạn chế. Phần lớn nhà giáo còn gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn và xây dựng học liệu số, tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá trong môi trường dạy học trực tuyến.

Kết thúc tọa đàm, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, cần thống nhất lại cách hiểu, nhận thức và cả cách làm trong việc đào tạo trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Khánh Anh