Thúc đẩy chuyển đổi số ngành công nghiệp văn hóa và nghệ thuật

19:18 03/12/2022

Ngày 3-12, tại Bình Dương, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Làng Công nghệ Nghệ thuật sáng tạo (TechArt) và Làng Triển lãm Công nghệ toàn cầu (Techex Global Village) tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa và nghệ thuật.

Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành,  startup, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ và nghệ thuật.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, hướng tới mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số và cung cấp giải pháp cho lĩnh vực nghệ nghệ thuật và di sản Việt Nam và kết nối du lịch Việt Nam ra quốc tế.

Ảnh minh họa

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát biểu tại hội thảo. 

Ông Phạm Hồng Quất cũng chia sẻ về Chiến lược hỗ trợ toàn diện cho lĩnh vực chuyển đổi số văn hóa và nghệ thuật.

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nền văn hiến ngàn đời, bản sắc văn hóa độc đáo và có nền văn hóa là sự hội tụ của nhiều nét văn hóa đến từ 54 dân tộc khác nhau, đó vừa là thách thức với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa-nghệ thuật vừa là điều kiện thuận lợi để đưa văn hóa-nghệ thuật phát triển thành một ngành công nghiệp có tiềm năng to lớn.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đem lại những tác động có tính hai mặt lên văn hóa nghệ thuật. Có thể nói, công nghệ với chức năng xóa nhòa biên giới hoàn toàn có thể khiến chúng ta bị hòa tan trong thế giới phẳng. Nhưng, mặt khác, công nghệ hoàn toàn có thể trở thành phương tiện bảo tồn và công nghiệp hoá văn hóa và nghệ thuật. Việc giữ gìn các giá trị tinh thần quý báu chỉ có thể hiệu quả khi đi liền với công nghệ cũng như công nghệ sẽ là con đường hiệu quả nhất để công nghiệp hóa văn hóa và nghệ thuật trong thời kỳ 4.0.

Ảnh minh họa

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo. 

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, công nghệ chuỗi khối blockchain đang là một trong những công nghệ dữ liệu tiên tiến nhất hiện nay. Blockchain cho phép quản lý các tài nguyên du lịch một cách toàn diện và minh bạch khi tất cả các thông tin sẽ được mã hóa trong một khối và gắn vào chuỗi có trước. Với tính phân cấp này, mỗi thành viên trong cộng đồng sở hữu di sản đều có thể tham gia vào quản lý chúng khiến cho việc quản lý dễ dàng hơn. Mặt khác, khi huy động, được sự trách nhiệm của cộng đồng, di sản sẽ được bảo vệ tốt hơn để hướng tới một nền du lịch bền vững hơn. Hiện tại việc ứng dụng blockchain cho du lịch nói chung và chuyển đổi số du lịch nói riêng đang được chú trọng vì sự ưu việt của nó. Bước đầu đã có những dự án về triển khai công nghệ này được xây dựng và đưa vào thực tế, đơn cử như dự án "Chuyển đổi số du lịch Hội An".

Ảnh minh họa
Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, Làng Công nghệ Nghệ thuật sáng tạo. 

Trong khuôn khổ hội thảo còn diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Làng Công nghệ Nghệ thuật sáng tạo, Làng Triển lãm Công nghệ toàn cầu với các đối tác.

Tin, ảnh: HÀ ANH