Thuận Thành (Bắc Ninh): Gìn giữ nghệ thuật múa rối nước truyền thống

22:04 04/07/2022

Bắc Ninh được biết đến là một mảnh đất nổi tiếng với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trải qua, bao nhiêu năm tháng các giá trị đó đang tiếp tục được người dân lưu giữ, phát triển. Trong đó, phải kể đến nghề rối nước Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành là loại hình nghệ thuật độc đáo đang được bảo tồn và phát triển.

Rối nước Đồng Ngư là một trong 14 phường rối nước còn hoạt động trên đất nước ta. Mỗi phường rối có nét đặc trưng riêng không chỉ ở mỗi tích trò mà còn là lối thể hiện. Theo anh Nguyễn Thành Lai vốn là thợ cơ khí. Nhưng từ nhỏ anh đã có niềm đam mê đặc biệt với rối nước. Bởi vậy, mặc dù không sinh ra trong gia đình biểu diễn rối nước nhưng các buổi biểu diễn rối nước của nghệ nhân rối nước trong làng, anh đều có mặt. Dần dần, anh thuộc từng tích trò, cách biểu diễn cũng như chế tác con rối và trở thành một trong những thành viên quan trọng trong phường rối nước Đồng Ngư.

Ảnh minh họa
Tiết mục đua thuyền được các nghệ nhân rối nước Đồng Ngư biểu diễn tại thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh..

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Thành Lai, bên cạnh cách biểu diễn, các tích trò, các phường rối phân biệt với nhau bằng hình ảnh con rối. Ví như, rối nước Đồng Ngư ngoài những con rối phổ biến gồm chú tễu, tứ linh, con trâu… còn có những con rối đặc trưng cho văn hóa vùng đất Quan họ như: liền anh, liền chị, chiếc thuyền rồng chở liền anh, liền chị, đám cưới chuột… Chính vì vậy, anh rất cẩn thận trong việc chế tác và sáng tạo từng con rối.

Ban đầu, Phường rối nước Luy Lâu có 10 thành viên. Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay, phường rối có 30 người tham gia, được chia làm 3 đoàn, hàng năm đi biểu diễn trên 700 ca (mỗi ca múa kéo dài khoảng 45 phút) múa rối nước ở khắp các địa phương trong cả nước.

Ảnh minh họa
Tiết mục chọi trâu được các nghệ nhân rối nước Đồng Ngư biểu diễn tại thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh..

Theo ông Dương Văn Giáo là nghệ nhân cao tuổi nhất phường rối nước Luy Lâu chia sẻ: Nét độc đáo nhất của rối nước Đồng Ngư là loại hình này có sự kết hợp hài hòa giữa biểu diễn rối nước và hát Quan họ. Mở đầu buổi biểu diễn là màn chào hỏi của chú “Tễu”. Sau đó là tiết mục hái cau mời trầu thể hiện nét độc đáo của văn hóa Quan họ. Dưới nước, chú rối trèo, hái cau. Trên bờ, liền chị hát Quan họ và bưng cơi trầu mời khách. Những làn điệu Quan họ mượt mà đằm thắm cùng lối biểu diễn tự nhiên, dí dỏm của chú rối khiến du khách ai đã một lần xem rối nước Đồng Ngư không khỏi lưu luyến.

Tiết mục rồng phun lửa được các nghệ nhân rối nước Đồng Ngư biểu diễn tại thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Cùng với dòng chảy thời gian, sự phát triển của xã hội, nghệ nhân Phường rối nước Luy Lâu ngoài gìn giữ các tích trò cổ còn tiếp tục sáng tạo ra tích trò mới thể hiện nét đẹp của văn hóa Bắc Ninh và sự phát triển của thời đại như, tích trò đám cưới chuột, rước kiệu, đánh đu, giã bạn, Tôn Ngộ Không, chú mèo lười…

Nhiều khi biểu diễn phải ngâm mình trong nước lâu, dưới thời tiết 7-8 độ C nhưng chính những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả là niềm động viên lớn nhất, giúp nghệ nhân có thêm động lực giữ “lửa nghề” và truyền nhiệt huyết cho các thế hệ sau này, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Ảnh cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành” với mục tiêu tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của môn nghệ thuật múa rối nước của làng. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2018 đến năm 2020, tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng. Sau khi có Đề án, chính quyền địa phương đã xây dựng lại các công trình phục vụ biểu diễn rối nước như thủy đình, nhà văn hóa, tài trợ kinh phí để phường rối đầu tư sân khấu, hệ thống âm nhạc, con trò… Đặc biệt, phường rối đẩy mạnh hoạt động đào tạo, truyền nghề, thu hút các bạn trẻ ở địa phương tham gia.

Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa rối nước Đồng Ngư, tổ chức biểu diễn, quảng bá rối nước trong tỉnh, tập huấn, đào tạo cho con em địa phương tìm hiểu, thực hành múa rối nước… để đông đảo người dân trong, ngoài tỉnh được thưởng thức các tiết mục rối nước Đồng Ngư.

Vũ Tiến