Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định điều này tại Phiên đối thoại chính sách diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 lần thứ 5 (HEF 2024). Theo đó, Thủ tướng cho rằng trong tổng thể chuyển đổi của Việt Nam có 3 nội dung chính, gồm chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Thủ tướng chủ trì Phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 lần thứ 5 (HEF 2024). |
Năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng thứ 34 trên thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế, thu nhập bình quân đầu người từ trên dưới 100 USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 4.300 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%. Ngay sau cơn bão Yagi, Chính phủ đã có các giải pháp khắc phục và dự kiến GDP cả năm đạt 7%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hệ thống chính trị của Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, trong đó có Chính phủ và nhân dân làm chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra đường lối phát triển về công nghiệp, trong đó giai đoạn hiện nay có Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của Chính phủ là phải thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết này để thực hiện có hiệu quả.
"Tôi muốn nói thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế của thế giới. Cho nên vì thế phải nắm tình hình. Phải xây dựng thể chế, vừa qua Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội sửa đổi rất nhiều Luật, trong đó có Luật Giao dịch điện tử, đang xây dựng Luật dữ liệu rồi Luật môi trường, Luật đất đai, Luật nhà ở hay Luật kinh doanh bất động sản… Rất nhiều Luật được sửa đổi và trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa này, số lượng Luật cần thông qua và thảo luận nhiều nhất từ trước đến nay. Khoảng 16 - 17 Luật đã thông qua và hơn 10 luật sẽ được thảo luận, đấy là thể chế và luật pháp. Ngoài ra thì Chính phủ còn xây dựng các nghị định, quyết định. Thể chế hóa là như vậy" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng đánh giá TP. HCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực. |
Thủ tướng đánh giá TP. HCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân. “Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này TP. HCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
"Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành, phải xây dựng thể chế cùng TP. HCM; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của TP; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TP. HCM vì Thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc chuyển đổi công nghiệp không chỉ là nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống như cơ khí chế tạo hay hóa chất, mà còn phải phát triển các ngành công nghiệp mới, với những khái niệm mở rộng bao gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và kinh tế ban đêm.
"Để thực hiện quá trình chuyển đổi, chúng ta cần phải hiểu công nghiệp theo nghĩa toàn diện và bao trùm, chứ không phải cách chúng ta hiểu khái niệm công nghiệp như trước đây", Thủ tướng nói.
Muốn thực hiện chuyển đổi công nghiệp, Thủ tướng nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua, TP.HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời cho rằng TP. HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng bày tỏ sự mong muốn các đối tác phát triển ủng hộ TP. HCM và Việt Nam về ưu đãi tài chính, từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu, góp phần đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào.
Toàn cảnh Phiên đối thoại |
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị TP. HCM và các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Qua tham dự diễn đàn, Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP. HCM, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, người dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.