“Bên cạnh đó, tạo động lực phát triển không chỉ cho Cà Mau, mà còn lan tỏa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau diễn ra vào ngày 09/12/2023 tại tỉnh Cà Mau. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023.
Hội nghị đã công bố Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch). Theo quy hoạch, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị về thủy sản. Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển. Hướng đến xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Thủ tướng nhấn mạnh, đối với quy hoạch của tỉnh phải đi trước một bước, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dựa vào cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Quy hoạch tỉnh phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch vùng gắn với quy hoạch quốc gia. Làm xong quy hoạch thì phải triển khai thực hiện cho tốt, tăng cường kiểm tra giám sát, không được phá vỡ quy hoạch, chia nhỏ, manh mún, tình hình thay đổi thì phải điều chỉnh cho hợp lý nhưng không được để ảnh hưởng đến quy hoạch chung.
"Tôi tin tưởng rằng hội nghị sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào Cà Mau, đây là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới. Giai đoạn hiện tại, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rất nỗ lực tháo gỡ những “điểm nghẽn” và tạo ra những chuyển biến tích cực cho tỉnh Cà Mau. Nhưng để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Cà Mau, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh phải có tư duy - hành động, làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng với sự kỳ vọng của Trung ương, niềm tin của doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã nói: Việc tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là vô cùng quan trọng, tạo điều kiện để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và toàn thể Nhân dân nắm được nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch. Từ đó, thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau “cất cánh”, trở thành một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và xứng tầm là vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trong đó đặc biệt hai nội dung quan trọng là ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình “2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển - 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng”, chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị, có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp; theo quy hoạch của tỉnh; đồng hành với chính quyền các cấp; thẳng thắn góp ý, kiến nghị có trách nhiệm, xây dựng với chính quyền...
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã ghi nhận, cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã quan tâm, lựa chọn tỉnh Cà Mau là điểm đến đầu tư kinh doanh. Thông qua hội nghị, tỉnh Cà Mau mong muốn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại tỉnh Cà Mau, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Cà Mau nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung. Cà Mau cam kết luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi tại hội nghị, các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và những nỗ lực tỉnh Cà Mau trong việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cung cấp thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào Cà Mau. Các đại biểu cũng đã bày tỏ quan tâm và mong muốn tìm hiểu đầu tư vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng tái tạo, thủy sản.
Dịp này, tỉnh Cà Mau đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 07 nhà đầu tư. Đồng thời, trao Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, tỉnh Cà Mau cũng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương trên địa bàn tỉnh và triển lãm hệ thống bản đồ Quy hoạch tỉnh; hình ảnh và các loại tài liệu xúc tiến đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thương mại, văn hóa du lịch của tỉnh… Qua đó, góp phần quảng bá những tiềm năng, lợi thế để mời gọi, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Cà Mau trong tương lai.
Uyển Nhi