Sau 3 tháng thi hành, Luật đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn những phản ứng tiêu cực từ một số đối tượng cố tình xuyên tạc, gây hiểu lầm về quy định của Luật như: thời gian lái xe liên tục, quy định cấp đổi giấy phép lái xe, mức xử phạt vi phạm hành chính, cơ chế trừ và phục hồi điểm giấy phép lái xe...
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2025, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. |
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, thiết lập trật tự và kỷ cương trong giao thông là nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai thường xuyên, quyết liệt, không lùi bước trước các luồng dư luận trái chiều. Lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong việc phối hợp cùng các cấp chính quyền triển khai Luật và Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Bộ Công an được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như chở quá tải, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình. Việc trừ và phục hồi điểm trên giấy phép lái xe cũng sẽ được triển khai đồng bộ để nâng cao nhận thức của người dân.
Ngoài ra, các hành vi như làm giả giấy tờ phương tiện, vi phạm quy định về bảo trì, sửa chữa hạ tầng giao thông sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh chia sẻ, đồng bộ dữ liệu về giao thông; triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký xe, cấp đổi giấy phép lái xe, xử lý vi phạm hành chính...
Đặc biệt, việc nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý thiết bị giám sát hành trình, camera hành trình của phương tiện vận tải sẽ giúp kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo thời gian thực.
Công tác tuyên truyền về Luật và các quy định mới cần được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng chương trình giảng dạy kiến thức pháp luật giao thông tại trường học, tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các dự án hạ tầng giao thông, khẩn trương khắc phục các hệ thống tín hiệu giao thông hư hỏng, bất hợp lý.
Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, kiểm tra thiết bị an toàn trên xe đưa đón học sinh, thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy đúng quy định.
UBND các tỉnh, thành phố cần cụ thể hóa nội dung Chỉ thị thành kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế; tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức người dân, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại. Đồng thời, triển khai các giải pháp xử lý vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng lề đường, bố trí lại luồng giao thông tại các khu đô thị lớn để tránh tình trạng “chỗ hết ùn tắc, chỗ khác lại phát sinh”.
Các địa phương cũng được yêu cầu đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh, lắp đặt camera giám sát, xử lý vi phạm tại các tuyến trọng điểm, kết nối dữ liệu với Bộ Công an.
Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhằm răn đe và bảo vệ an toàn cho toàn xã hội.