Bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã khẳng định điều này trong bài phát biểu chào mừng của mình tại phiên khai mạc Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 diễn ra sáng nay ngày 24/9/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Đến tham dự Hội nghị có Bí thư Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Văn Nên, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và hơn 35 đoàn lãnh đạo các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nói: “Bộ Ngoại giao rất trân trọng và đánh giá cao sáng kiến của TP. Hồ Chí Minh duy trì tổ chức đối thoại hết sức ý nghĩa này, thể hiện sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Thành phố trong triển khai công tác đối ngoại. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”, thể hiện tư duy nhạy bén, nắm bắt trúng và đúng những xu thế phát triển của thời đại, những yêu cầu đặt ra đối với TP. Hồ Chí Minh cũng như các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế của các nước trên thế giới.”
Bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu chào mừng tại hội nghị. |
Trải qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng 96 lần so với năm 1986, vai trò, vị thế, uy tín quốc tế được tăng cường. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong nhóm 20 quốc gia lớn nhất thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Trong tổng thể cục diện đối ngoại rộng mở và thuận lợi cho an ninh và phát triển hiện nay, có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại địa phương.
“Với mạng lưới 58 quan hệ cấp địa phương sôi động với các kết quả hợp tác ấn tượng và thực chất, chính là minh chứng sinh động cho sức sống, sự năng động, sáng tạo của công tác đối ngoại địa phương, thực sự đã đóng vai trò “trung tâm” của hội nhập quốc tế”- bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.
TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực, đầu tàu dẫn dắt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. |
Thứ trưởng cho rằng, quá trình phát triển của Việt Nam luôn gắn kết chặt chẽ với các xu thế của toàn cầu. “Chúng tôi không thể đạt được các thành tựu to lớn nêu trên nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế”- Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng bày tỏ.
Với tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Việt Nam sẽ tiếp tục nắm bắt mọi thuận lợi, thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển nhanh và bền vững dựa trền nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy tối đa nội lực, kết hợp hiệu quả ngoại lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực, đầu tàu dẫn dắt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là “trung tâm” lớn của Việt Nam về kinh tế, tài chính, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo; là “cửa ngõ” quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi mang tính thời đại. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, xu hướng “phân tách”, bảo hộ thương mại đe dọa sự phát triển nhanh, bền vững. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội phát triển bứt phá song cũng đặt ra những thách thức mới chưa có tiền lệ. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật đang thay đổi nhanh chóng các mô hình sản xuất và kinh doanh truyền thống. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp, trọng tâm là số hóa, tự động hóa và xanh hóa, là giải pháp then chốt giúp các quốc gia nâng cao khả năng phục hồi trước các cú sốc toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hữu hạn, tạo ra sự phát triển bứt phá để vươn lên.
Lãnh đạo Thành phố và các khách mời quốc tế chụp ảnh lưu niệm. |
Lịch sử chuyển đổi công nghiệp trên toàn cầu cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng, để đón đầu những thành công, các nước cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới để kịp thời thích ứng với thay đổi. Bài học thành công của một số nước công nghiệp hoá đi sau cũng khẳng định, nhất thiết phải chú trọng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, coi công nghệ và phát triển nguồn nhân lực là con đường chủ đạo để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, coi con người là nhân tố trung tâm của công cuộc chuyển đổi công nghiệp.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cũng yêu cầu Đối thoại hữu nghị cần thảo luận làm rõ đâu là cơ hội, thách thức đặt ra đối với các địa phương trong bối cảnh chuyển đổi công nghiệp theo hướng thông minh và bền vững hiện nay. Làm thế nào để thực sự đưa nguồn nhân lực và khoa học công nghệ trở thành đột phá trong chuyển đổi công nghiệp. “Chúng ta cần xây dựng các mô hình, phương thức hợp tác gì để cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp. Đồng thời, rất mong qua hội nghị, các thành phố đối tác sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác mới với TP. Hồ Chí Minh để đưa chuyển đổi công nghiệp trở thành một động lực tăng trưởng của Thành phố trong giai đoạn tới” - Thứ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.
Thứ trưởng tin rằng, với tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong tiến trình chuyển đổi công nghiệp thông minh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tiếp ông Stefano Lo Russo - Thị trưởng Thành phố Torino, Ý. |
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã có buổi tiếp ông Stefano Lo Russo - Thị trưởng Thành phố Torino, Ý.