Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Gói phục hồi kinh tế sẽ tập trung vào 5 nhóm chính

23:30 23/11/2021

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương vừa chia sẻ một số thông tin liên quan tới quá trình xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tập trung dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội như phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tập trung dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội như phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Theo Thứ trưởng Phương, Bộ KHĐT đã hoàn thành báo cáo để trình Chính phủ cho ý kiến về gói hỗ trợ.

Sau khi được Chính phủ thông qua, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ được trình Bộ Chính trị để xin chủ trương và trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp về cơ chế, chính sách (đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ). 

Dự kiến, vào tháng 12 tới, Quốc hội sẽ họp chuyên đề xem xét nhiều nội dung, trong đó có việc xem xét thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

"Bộ KHĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ để đảm bảo hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 và trình các cấp có thẩm quyền xem xét", ông Phương khẳng định. 

Không tiết lộ về quy mô của gói hỗ trợ, song Thứ trưởng  Phương cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách hỗ trợ chính. 

Nhóm một là phòng chống dịch bệnh và công tác y tế, trong đó đề cập tới việc cung ứng vắc xin, biện pháp phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm, cách ly, điều trị... Tất cả giải pháp này đều cần tới kinh phí, đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các gói giải pháp khác.

Nhóm 2 là giải pháp an sinh xã hội thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo đời sống an sinh xã hội. 

Nhóm giải pháp trên được nghiên cứu, mở rộng thêm nhiều đối tượng bị ảnh hưởng như công nhân trong các khu công nghiệp với các giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; cho vay ưu đãi với đối tượng như học sinh sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non...

Nhóm 3 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu về giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện trong thời gian qua sẽ được nghiên cứu rà soát và tiếp tục thực hiện. 

Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ, cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất, có nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi.

Nhóm 4 là đẩy mạnh đầu tư công. Nhóm này có ý nghĩa kép là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời và có ý nghĩa lâu dài là tạo ra kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế. 

Nhóm 5 là giải pháp về quản lý điều hành, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro. 

Liên quan tới nhóm giải pháp 5, Thứ trưởng Phương nhìn nhận: Muốn kích thích đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI thì chúng ta phải cải cách thủ tục hành chính. Nhà đầu tư sẵn sàng từ chối rót vốn nếu thủ tục hành chính phức tạp. 

Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết nếu đề án phục hồi kinh tế được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023.

Về khó khăn trong năm 2022, Thứ trưởng Lê Quốc Phương, cho biết việc kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức không hề nhỏ cho công tác điều hành. Lạm phát thế giới tăng lên, Việt Nam là nền kinh tế mở thì khó tránh khỏi ảnh hưởng. Đầu ra và đầu vào đều bị ảnh hưởng bởi lạm phát. 

An Phan