Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững

17:10 16/08/2022

Sáng 16/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) tổ chức Hội nghị “Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững” tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị “Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững”
Toàn cảnh Hội nghị “Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững”.

Tại hội nghị, các bên đã trình bày, tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề, nội dung quan trọng, có tính thời sự về sự cần thiết thu hút nguồn lực nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về phát triển xanh và phát triển bền vững. Các bên cũng cung cấp các thông tin về tình hình huy động nguồn lực cho Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như đã có những chia sẻ, trao đổi, làm rõ các vấn đề có liên quan. Các vấn đề nêu ra đều có tính thực tiễn; trong đó nhấn mạnh cần có những giải pháp cụ thể để có thể khai thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh, tạo cơ sở, niềm tin cho các tổ chức, đối tác quốc tế để huy động nguồn lực cho Việt Nam nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26. 

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, những thách thức, rủi ro các quốc gia phải đối mặt khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tác động trực tiếp tới mọi nền kinh tế trên thế giới. Vì vậy, các quốc gia cần khẩn trương xây dựng các chính sách, kịch bản phù hợp để đối phó, thích ứng với những tác động này. Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững. Thời gian qua ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng cho rằng, để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án carbon thấp. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%. Để thực hiện được mục tiêu thu hút các nguồn lực, cần tập trung 4 nhóm giải pháp là xây dựng chính sách; nâng cao tiếp cận tài chính xanh; xây dựng thể chế đầu tư bền vững và  nâng cao tính minh bạch trong thực hiện tài chính xanh.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam thực hiện những cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tăng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch nhóm Công tác ngân hàng đều mong muốn rằng các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài tham dự Hội nghị này sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, ngành ngân hàng, huy động các nguồn lực, vốn tín dụng cần thiết với chi phí hợp lý cho quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Thông qua các nội dung trình bày, tọa đàm, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về tình hình triển khai của Chính phủ, bộ, ngành trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng xanh, tiến trình chuyển đổi năng lượng; các thuận lợi, vướng mắc về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý; nguồn lực hỗ trợ và khả năng huy động từ các tổ chức quốc tế cũng như các đề xuất, khuyến nghị cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp nhằm khai thông, thu hút và huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực.

P.V (t/h)