Thông tin về khả năng Việt Nam tham gia IPEF

09:27 27/05/2022

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam vào IPEF sẽ phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận giữa các bên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chiều 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dư lễ công bố lễ khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, ngày 26/5, nhấn mạnh, đây mới chỉ là quá trình khởi động cho tiến trình thảo luận của IPEF, việc tham gia khuôn khổ phụ thuộc vào kết quả quá trình thảo luận.

Trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột là: Thương mại, Chuỗi cung ứng, Năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng và Thuế và chống tham nhũng nhằm đem lại chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng tới một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và cho toàn thế giới.

Việt Nam cho rằng, IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho các liên kết kinh tế đã có.

"Với chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả, Việt Nam đã tham gia một số sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, qua đó phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Về khả năng tham gia IPEF, Người phát ngôn Bộ ngoại giao một lần nữa nhấn mạnh, đây mới là quá trình khởi động cho tiến trình thảo luận và việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận.

Sáng kiến IPEF được khởi động khoảng 7 tháng sau khi được ông Biden công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 10/2021. Đây được coi là một trong các trụ cột chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden.

Không giống các khối thương mại truyền thống, những thành viên tham gia IPEF không phải đàm phán về thuế quan và tăng tiếp cận thị trường. Thay vào đó, sáng kiến này nhằm tích hợp các đối tác thương mại vào những tiêu chuẩn đã được nhất trí trong 4 lĩnh vực chính, gồm kinh tế số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.

Lâm Nghi