Một số nhà sản xuất đang tích trữ hàng tồn kho hoặc mua thiết bị sử dụng ít điện năng hơn. Báo chí Trung Quốc đưa tin hôm thứ Ba rằng, ít nhất 20 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh đã áp dụng các biện pháp hạn chế điện trong những tuần gần đây, làm tê liệt hoạt động của các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Các nhà máy sản xuất nến nằm trong số những nhà máy đang gấp rút đáp ứng đơn đặt hàng khi nhu cầu tăng cao, nhưng hầu hết các đơn vị này đã phải sản xuất chậm lại, chi phí tăng và lợi nhuận giảm do cuộc khủng hoảng leo thang trong tháng qua ngày càng trầm trọng. “Sản lượng của chúng tôi giảm ít nhất một phần ba và chúng tôi chỉ có thể làm việc từ nửa đêm đến 8 giờ sáng. Công nhân gà gật trong giờ làm và hiệu quả của họ thấp hơn nhiều so với ban ngày”, Wang Jie, một nhà sản xuất giày dép ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông cho biết. “Nhiều đơn hàng xuất khẩu ở Đông Quản sẽ bị ảnh hưởng và chúng tôi có thể phải trì hoãn các đơn hàng vận chuyển. Chúng tôi phải từ chối các đơn đặt hàng mới, kể cả những đơn hàng được chuyển đến từ Việt Nam”. Tuy nhiên, Wang cho biết, việc cắt điện sẽ không ảnh hưởng đến mùa sản xuất dịp Giáng sinh vì hầu hết các nhà sản xuất đã chuẩn bị trước nhằm giải quyết các vấn đề về vận chuyển và hậu cần do dịch bệnh bùng phát.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã phải chịu áp lực sau một năm vật lộn với nguyên liệu thô đắt đỏ và đóng cửa chống dịch cũng như các cuộc đàn áp khác nhau của chính quyền trung ương đối với lĩnh vực bất động sản, công nghệ và giáo dục. Guo Li, một nhà sản xuất đồ gia dụng xuất khẩu có trụ sở tại Đông Quản, chia sẻ: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng tôi đã phải gánh chịu quá nhiều trong năm nay bao gồm chi phí nguyên liệu và phí vận chuyển tăng cao, hậu cần gián đoạn và thanh toán chậm. Chúng tôi không thể sống sót trong thời gian này nếu thiếu điện. Làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng tiến độ vận chuyển? Một số nhà máy thậm chí còn bị cấm sản xuất sáu ngày trong tuần và chỉ hoạt động một ngày duy nhất. Nghe thật vô lý nhưng đó là sự thật”.
Mặc dù Trung Quốc đã quen với việc cắt giảm nguồn cung cấp điện ở các vùng của đất nước mỗi năm, nhưng tần suất đã tăng mạnh kể từ nửa cuối năm ngoái và đã lan rộng từ lĩnh vực công nghiệp đến các hộ gia đình. Khoảng thời gian này, các mục tiêu phát thải carbon đầy tham vọng của Trung Quốc bị chỉ trách là nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn. “Một số người nói rằng đó là để giảm lượng khí thải carbon, một số nói rằng chúng ta càng sản xuất nhiều để xuất khẩu, chúng ta càng tiêu thụ nhiều kim loại và than hơn, điều đó chỉ có lợi cho đồng đô la Mỹ đang giảm giá”, nhà sản xuất vải Quảng Châu Terry Tan cho hay. “Nhưng các nhà sản xuất chúng tôi chỉ muốn sản xuất bình thường, giao hàng đúng hẹn và nhận tiền. Tôi vẫn còn nợ công nhân và nhà cung cấp của mình rất nhiều tiền”.
Lynn Huo, Giám đốc của một công ty xuất khẩu thạch anh sang Úc có trụ sở tại Phật Sơn, chỉ ra việc hạn chế nguồn điện vào ban ngày đã làm giảm một nửa hiệu quả sản xuất. Tại Tô Châu, Li Hong, người làm việc cho một công ty sản xuất tấm pin mặt trời, cho biết, nguồn điện của họ đã bị hạn chế gần một phần ba và công nhân đang phải chịu đựng điều kiện ngột ngạt vì không thể bật điều hòa dù nhiệt độ lên cao. Channey Zhan, Giám đốc nhà sản xuất đồ thủy tinh opal ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, khẳng định một phần hoạt động sản xuất của họ đã bị tổn hại sau khi buộc phải đóng cửa một số lò nung. “Một khi lò thủy tinh bị tắt sẽ trở nên vô dùng”, vị CEO nói về thiết bị quan trọng mà công ty đang tiếp tục bật mặc dù cần có nguồn điện liên tục.
Nhưng ở tỉnh Hồ Nam, miền Nam nước này, các công ty đã có thêm thời gian để chuẩn bị sau khi nhận được chỉ thị từ chính quyền địa phương rằng việc cắt điện dự kiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần. Hiện nay, nhiều nhà máy đang đổ xô đi mua nguyên liệu thô vì lo sợ giá sẽ tăng đột biến bất cứ lúc nào. Đây một lần nữa là một thách thức tiềm ẩn nguy cơ đối với dòng tiền.
TL (theo SCMP)