Thị trường bất động sản chững lại
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 1/8, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã khái quát về thị trường bất động sản nửa đầu năm của địa phương.
Theo đó, đối với phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố như Thuận An và Thủ Dầu Một đã có dấu hiệu bão hòa. Giá không còn xu hướng tăng nhanh và dần ổn định, giao dịch chậm. Đối với thành phố Dĩ An, nhu cầu mức độ quan tâm về nhà ở chung cư vẫn cao, do nguồn cung mới về dự án nhà ở liền kề tại Dĩ An rất ít, hầu như không có dự án mới.
Đối với phân khúc đất nền riêng lẻ và đất nền tại các dự án cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để người dân tự xây dựng, số lượng giao dịch và mức giá giao dịch theo khảo sát có xu hướng giảm từ quý III/2022, hiện nguồn cung từ dự án mới không có.
Lượng tồn kho bất động sản tại Bình Dương cũng có xu hướng tăng. Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư dự án, tính đến cuối năm 2022 còn khoảng 1.597 căn.
Trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản, tỉnh Bình Dương đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản tại Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 13/02/2023, chỉ đạo các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Rà soát quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.
Rà soát quy định của pháp luật về đất đai để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đất đai dự án bất động sản của doanh nghiệp; trường hợp vượt thẩm quyền thì trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, báo cáo cơ quan cấp Trung ương để xem xét, hướng dẫn; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục xác định giá đất cụ thể để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, thủ tục nộp thuế vào ngân sách.
Triển khai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các ngân hàng thương mại và các chủ thể có liên quan tổ chức theo Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục hành chính, tăng cường số hoá để cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiệm theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả, có khả năng trả nợ và phát triển.
Tỉnh Bình Dương cũng đã soát, đề xuất các quy định của pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong quá trình triển khai dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, có kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh trong góp ý dự thảo pháp luật về xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản; Triển khai Đề án “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của địa phương.
Triển khai giải pháp “thúc” tiến độ nhà ở xã hội
Cũng trong buổi họp báo, UBND tỉnh Bình Dương đã thông tin về tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, các dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất NƠXH với quỹ đất khoảng 105ha tại 33 dự án, với diện tích sàn dự kiến khoảng 2,16 triệu m sàn, cung ứng khoảng 30.000 căn. Tuy nhiên, thực tế, tiến độ triển khai đầu tư trên quỹ đất này còn chậm.
Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, Sở Xây dựng đã tổ chức làm việc trực tiếp với từng chủ đầu tư dự án và đưa ra một số giải pháp.
Cụ thể, trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng triển khai đảm bảo theo tiến độ dự án được phê duyệt. Trường hợp, chủ đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi quỹ đất này lập thủ tục kêu gọi các chủ đẩu tư khác tham gia đầu tư xây dựng NƠXH.
Đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, phải dành quỹ đất để phát triển NƠXH trong quy hoạch xây dựng của địa phương để phát triển NƠXH.
Riêng đối với các dự án nhà ở xã hội do Tổng Công ty Becamex thực hiện, theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP Becamex IDC, hiện nay, Tổng công ty Becamex IDC đang triển khai các thủ tục pháp lý dự án đối với các khu đất dự kiến phát triển NƠXH, với quỹ đất khoảng 81,5ha, diện tích sàn dự kiến khoảng 2,2 triệu m2 sàn, với khoảng 40.000 căn, tập trung trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An; thị xã Bến Cát; huyện Bàu Bàng. Căn cứ quy định của pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin dự án đến Sở Xây dựng trước khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua, thuê của người dân, Sở Xây dựng kiểm tra và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở. Người dân quan tâm đến thông tin liên quan của dự án, có thể liên hệ trực tiếp chủ đầu tư hoặc lên website của Sở để được cung cấp thông tin.
Vân Nguyễn