![]() |
Thị trường nhóm nông sản 24/2: Lúa mì tăng nhẹ, ngô và đậu tương đồng loạt giảm |
Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông giao tháng 5 trên Sàn Chicago (WK25) tăng 3,75 cent, lên 6,04 USD/giạ, nhưng vẫn giảm 1,5% trong tuần. Lúa mì đỏ cứng mùa đông Kansas (KWK25) nhích 1,75 cent, lên 6,2175 USD/giạ, trong khi lúa mì xuân Minneapolis (MWEK25) giảm nhẹ 1,25 cent, về mức 6,4605 USD/giạ.
Theo các nhà giao dịch, lực mua kỹ thuật và việc đóng lệnh bán khống của các quỹ hàng hóa đã hỗ trợ giá lúa mì sau hai phiên giảm liên tiếp. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy doanh số xuất khẩu lúa mì niên vụ cũ đạt 532.700 tấn, cao hơn mức dự báo từ 300.000 - 600.000 tấn. Doanh số vụ mới cũng vượt kỳ vọng với 98.500 tấn.
Bên cạnh đó, lo ngại về đợt rét ảnh hưởng đến cây lúa mì đông tại Mỹ đã giảm bớt. Báo cáo thời tiết hàng ngày của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy lớp tuyết bảo vệ tại vùng Đồng bằng phía Bắc và Trung rộng hơn so với đợt lạnh trước, giúp giảm rủi ro thiệt hại cho cây trồng.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5 (CK25) giảm 7,75 cent, về 5,05 USD/giạ, khép lại tuần với mức giảm 0,7%. Trước đó, hợp đồng này từng đạt đỉnh 18 tháng nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo doanh số xuất khẩu ngô trong tuần kết thúc ngày 13/2 đạt 1,45 triệu tấn, tiệm cận mức dự báo cao nhất (1,6 triệu tấn). Tuy nhiên, áp lực chốt lời cùng kỳ vọng diện tích trồng ngô tại Mỹ sẽ gia tăng trong báo cáo Triển vọng Nông nghiệp sắp tới đã kéo giá xuống.
Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy mưa lớn tại Argentina và một số khu vực của Brazil vào tuần tới có thể cải thiện tình hình sản xuất, gây áp lực giảm lên giá ngô.
Hợp đồng đậu tương tháng 5 (SK25) giảm 5,75 cent, xuống còn 10,5725 USD/giạ, dù trước đó đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 11/2. Tính chung tuần, hợp đồng này tăng nhẹ 0,4%.
Các nhà giao dịch cho biết hoạt động chốt lời trước cuối tuần cùng triển vọng vụ mùa bội thu tại Brazil đang tác động tiêu cực lên giá. Diện tích trồng đậu tương tại Brazil đã tăng 18 năm liên tiếp, củng cố vị thế nhà cung cấp hàng đầu thế giới.
Tại Mỹ, nông dân có thể giảm diện tích trồng đậu tương do lợi nhuận từ ngô cao hơn. USDA dự kiến sẽ công bố dự báo chính thức trong Hội nghị Triển vọng Nông nghiệp tuần tới. Trong tuần kết thúc ngày 13/2, doanh số xuất khẩu đậu tương đạt 480.300 tấn, tiệm cận mức dự báo cao nhất của thị trường.
Các sản phẩm từ đậu tương cũng chịu áp lực giảm: bột đậu tương giao tháng 5 (SMK25) mất 0,70 USD, về 303,90 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu tương (BOK25) giảm 0,45 cent, còn 47,34 cent/pound.