Theo Cục Xuất nhập khẩu, cũng trong thời gian này, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 29 thị trường trên thế giới; trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam.
Tháng 1/2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Hoa Kỳ đạt 7,95 nghìn tấn, trị giá 16,86 triệu USD, giảm 50,9% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng 12/2022; Tuy nhiên so với tháng 1/2022 tăng 52,1% về lượng và tăng 103,6% về trị giá, chiếm 22,45% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2023.
Về giá nhập khẩu, tháng 1/2023, giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam đạt mức 2.092 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 12/2022 nhưng giảm 1,6% so với tháng 1/2022.
Trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so tháng 1/2022.
Riêng mặt hàng thịt lợn, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 4,91 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 11,57 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 66,5% về trị giá so với tháng 12/2022. Tuy nhiên, nếu so sánh với tháng 1/2022 giảm 54,1% về lượng và giảm 50,9% về trị giá; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.354 USD/tấn, giảm 3,5% so với tháng 12/2022, nhưng tăng 6,9% so với tháng 1/2022.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 15 thị trường. Đáng lưu ý, chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 34,82%; Brazil chiếm 23,49% và Đức chiếm 21,52% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2023 và lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Ngọc Phi (TH)