Thị trường bất động sản tăng mạnh trước áp lực lạm phát

23:55 03/12/2021

Giá bất động sản tại Mỹ, Hồng Kong, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ, Trung Quốc,… đang tăng mạnh chưa từng có trước áp lực lạm phát. Bất động sản Việt Nam cũng được dự đoán không nằm ngoài vòng xoáy này.

 Bất động sản thế giới tăng giá kỷ lục 

Thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ, Trung Quốc,… được xem là những thị trường địa ốc đã "chín", ổn định, ít xảy ra biến động về giá. Tuy nhiên, trong 10 tháng qua, các thị trường này ghi nhận mức biến động giá mạnh chưa từng có.

Dữ liệu do Hiệp hội Môi giới quốc gia Mỹ (NAR) công bố cho thấy, giá bán trung bình một ngôi nhà ở Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 363.300 USD vào giữa năm 2021, tăng 23,4% so với mức 294.000 USD trong cùng kỳ năm 2020.

Tại Hàn Quốc, theo thống kê của Ngân hàng Kookmin Bank, giá căn hộ trung bình tại Seoul tăng tới 90% so với cùng thời điểm 2 năm trước, hiện đạt đỉnh 1.1 tỷ won (953.000 USD) vào tháng 7. Mức giá này tương đương 17 năm thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở Seoul, cao gấp đôi tỷ lệ hồi năm 2012. Ra khỏi thủ đô, giá căn hộ trung bình trên toàn Hàn Quốc cũng đã tăng 60% từ năm 2016 đến nay.

Tháng 10/2021, một báo cáo của ngân hàng hàng đầu Thụy Sỹ UBS cảnh báo nguy cơ bong bóng bất động sản hình thành trên thị trường nhà ở của Thụy Sỹ ngày càng cao. Báo cáo cho biết, trong khi giá trung bình của bất động sản nhà ở là 6,5 lần thu nhập hàng năm trước đại dịch COVID-19, thì hiện tại được ước tính vào khoảng 7,1 lần thu nhập hàng năm. Theo phân tích, giá nhà ở đã tăng 24% - mức tăng nhiều nhất trong 8 năm qua. Mức tăng này không phù hợp với mức tăng thu nhập tương ứng.

Tốc độ tăng giá của thị trường bất động sản toàn cầu được nhận định xuất phát từ tốc độ lạm phát toàn cầu tăng mạnh chưa từng có trong suốt 10 năm qua. Theo thống kê của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), tại Hoa Kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2021, mức CPI đạt 6,2%. Đây là mức lạm phát cao nhất tính từ tháng 3.2008 tại đất nước này. Tại Anh, mức lạm phát đạt 5.2%, cao nhất từ tháng 8.2012. Mức lạm phát tại Trung Quốc cũng cao nhất trong suốt 13 năm qua.

Bất động sản Việt Nam trong vòng xoáy tăng giá

TS. Trần Nguyễn Minh Hải – Chuyên gia địa ốc Đại học Ngân hàng TPHCM đánh giá: "Lạm phát tăng cao chưa từng có khiến các nhà đầu tư khắp thế giới tìm đến bất động sản như một kênh trú ẩn an toàn, để bảo lưu giá trị của đồng tiền. Nền kinh tế Việt Nam hiện tại là nền kinh tế mở, liên thông với thế giới. Mặt khác thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường nhạy cảm, dễ biến động bởi các thông tin kinh tế - hạ tầng. Vì vậy, ngay ở thời điểm cuối năm này thị trường đã chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư đổ tiền vào địa ốc để tránh lạm phát".

Cũng theo TS. Minh Hải, khi các nhà đầu tư đổ tiền vào địa ốc, nhà liền thổ, đất nền là hai phân khúc hấp dẫn nhất để hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng giá ấn tượng trong suốt một thập kỷ qua. Xu hướng này thể hiện rõ nhất tại khu vực phía Nam. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng thị trường luôn sôi động.

"Trong bối cảnh giá nhà đất tại TP.HCM bị đẩy lên quá cao, các dự án ở khu vực lân cận như Biên Hoà, Nhơn Trạch, Dĩ An, Thuận An giá nhà đất cũng cán mức trên dưới 100 triệu/m2, các nhà đầu tư có xu hướng đổ ra các khu vực lân cận Sài Gòn, có giá nhà đất mềm hơn, có sức đẩy hạ tầng mạnh hơn, tiềm năng tăng giá lớn hơn" – TS. Minh Hải đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thứ ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), hầu hết các dự án phát triển BĐS trên cả nước thời gian qua đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị. Hàng loạt dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai vì các địa phương phải tập trung chống dịch, khiến nguồn cung thị trường thiếu càng thêm hiếm. Chưa hết, hoạt động giao dịch mua bán BĐS trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể trao đổi, giao nhận… trong khi BĐS là loại hàng hóa đặc biệt, phải qua nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi giao dịch.

Chú thích ảnh
Thị trường BĐS được dự báo phục hồi trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát hiệu quả, các địa phương chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư ngay lập tức cải thiện nhanh chóng. Điều này thể hiện ở chỉ số về mức độ quan tâm tới BĐS luôn tăng mạnh sau mỗi đợt dịch. Cụ thể, sau đợt dịch 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau đợt 2 tăng 62% và sau đợt 3 tăng mạnh tới 378%. Khảo sát của VARS cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ trong ngắn hạn, sự trầm lắng của thị trường chỉ tạm thời và là cơ hội lớn để tái cấu trúc, tích luỹ hướng tới phát triển bền vững hơn.

Phân tích sâu hơn, theo VARS, toàn bộ nguồn cung trên thị trường BĐS đa phần hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới hạn chế, toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Về lực cầu, BĐS vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư ngay cả trong dịch bệnh. Đặc biệt, các dòng sản phẩm đất nền, bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng.

Vars dự báo, bắt đầu từ tháng 10/2021, khi nhiều địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội và tạo ra nhiều vùng xanh an toàn, hoạt động phát triển dự án BĐS và thị trường giao dịch BĐS sẽ được kích hoạt trở lại. Giá BĐS quý IV sẽ được điều chỉnh tương đương cùng kỳ năm 2020. Những dự án không điều chỉnh, vẫn giữ giá như đầu quý II/2021 chắc chắn sẽ có tỷ lệ hấp thụ thấp. Thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá BĐS vì nguồn cung thấp, giá đất (giải phóng mặt bằng), thuế đất, nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công tăng... đều tăng. Đặc biệt, các nhà đầu tư mới (FO) sẽ tập trung vào các thị trường cho sinh lợi cao như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Thuận, Long An, Phú Quốc

“Thị trường BĐS cuối năm được dự báo nhiều hứng khởi, nhà đầu tư nhỏ lẻ truyền thống, suy giảm lực đầu tư, nhưng thị trường tiếp tục tăng lực F0 (nhà đầu tư mới), làm lực cầu đầu tư trên thị trường tăng mạnh, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ các năm 2018, 2019”, ông Nguyễn Văn Đính dự báo.

Luân Ánh (t/h)