Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan báo cáo Chính phủ 3 nội dung để trình Quốc hội xem xét: Thứ nhất là nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Hai là cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ.
Ba là nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Tròn một năm mở cửa sau COVID-19, câu chuyện visa Việt Nam dành cho khách quốc tế vẫn là vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Nếu được Quốc hội sớm thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới, đề xuất nới chính sách thị thực của Chính phủ sẽ tạo nên cú hích cho ngành du lịch.
Chia sẻ thông tin đáng chú ý này với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang nhìn thấy cơ hội đầu tiên là du lịch.
Chính phủ đã có một quyết định chưa từng có và bao nhiêu năm nay đã thảo luận rất nhiều. Đó là chế độ visa đối với khách du lịch. Đây là điểm mở đầu tiên và hy vọng điểm mở này sẽ kéo theo nhiều điểm mở khác.
“Chúng ta lúc nào cũng ở tình thế bị dồn đến chân tường mới chạy. Tôi cũng hy vọng cái khó kéo dài cũng sẽ dồn chúng ta vào chân tường để có những đột phá trong chính sách. Đột phá đầu tiên trong ngắn hạn, ngoài vấn đề du lịch ra thì tôi hy vọng và nhìn thấy khả năng đột phá về đầu tư công”, ông Cung nói.
Cũng theo ông Cung, đầu tư công mở được thì sẽ tăng được cầu trong nước, tăng được vốn cho các doanh nghiệp, duy trì được mục tiêu tăng trưởng mà chúng ta đã đặt ra đầy tham vọng. Đầu tư công sẽ mở cơ hội kinh doanh cho những ngành có liên quan, đặc biệt những ngành như xây dựng hiện nay đang rất bí và tắc. Dòng vốn cho lĩnh vực này có thể sẽ được khai thông.
Tuy nhiên, ông Cung dự báo khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau.
Một trong những điểm sáng mà mọi người nói đến là Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, thị trường trong nước chỉ có du lịch là được hưởng lợi nhiều. Còn những lĩnh vực khác không được hưởng lợi nhiều bởi vì Việt Nam khi gặp khó xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu thì cũng sẽ không nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Như vậy, hoạt động sản xuất vẫn gặp khó khăn, cùng với đó, thủ tục xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài tiếp tục chưa được cải thiện.
Đánh giá về vấn đề vốn cho doanh nghiệp, ông Cung cho rằng, điều này cũng sẽ không được cải thiện nhiều. Lãi suất tuy có sự giảm nhưng sự tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó và lãi suất vẫn cao so với thực trạng của doanh nghiệp hiện nay. Nhu cầu tiêu dùng ít nên dòng vốn cho doanh nghiệp đã khó nay lại càng khó hơn. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ở dưới “đáy” mà “đáy” có thể kéo dài vài tháng hoặc 1,2 quý chứ không phải dừng tại thời điểm này để tăng lên.
Ông Cung cho rằng, môi trường kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc qua nhiều năm dồn nén, đặc biệt về thể chế. Bởi vậy, cần phải có cải cách toàn diện. Cải cách toàn diện này không dựa vào một, hai Bộ mà phải lập một tổ cải cách quốc gia, nghiên cứu thật đồng bộ và thay đổi luôn một thể.
“Nếu không, môi trường kinh doanh vẫn sẽ ách tắc vì chúng ta thấy, nếu cứ vận hành theo luật lệ đã quy định thì không thể làm gì được. Đúng chỗ này sẽ sai chỗ kia. Đúng luật này sai luật khác. Đúng luật nhưng lại sai thông tư”, ông Cung cho biết.
Hoài Anh