Bài tham luận nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” để cộng đồng doanh nghiệp bước vào kỷ nguyên mới của đại biểu Cao Tiến Đoan đã làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá |
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Từ ngày ra đời đến nay Hiệp hội đã làm rất tốt nhiệm vụ, hoàn thành vai trò to lớn và là cầu nối quan trọng giữa chính quyền và doanh nghiệp. Hiệp hội đã tổ chức thành công nhiều chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, tôn vinh quảng bá, địa danh, lợi thế, con người xứ Thanh tới mọi miền Tổ quốc cũng như bạn bè quốc tế.
Với phương châm: “Lấy tinh thần đoàn kết làm động lực cùng nhau phát triển”, Thường trực Hiệp hội cùng chính quyền vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng ngôi nhà chung đại đoàn kết, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các doanh nghiệp yên tâm, thi đua sản xuất kinh doanh, làm ra nhiều của cải vật chất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, phát triển bền vững, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành địa phương có nhiều năm liên tiếp, đạt số thu ngân sách trong tốp đầu cả nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản, sự bất cập. Với vai trò là Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá, là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đã đề nghị lãnh đạo tỉnh, quan tâm, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc còn tồn tại.
Vấn đề thứ nhất đại biểu Cao Tiến Đoan đưa ra là: Hiện nay, giá vật liệu xây dựng là một trong những điểm nóng, là mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Nguyên nhân chính được xác định là do chênh lệch giữa bảng giá thông báo của tỉnh so với giá thực tế. Mặt khác, việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng tại các mỏ có trữ lượng cấp ra còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên vật liệu.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan, rà soát, đánh giá đúng thực trạng cung cầu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép đủ trữ lượng vật liệu tại các mỏ, giúp doanh nghiệp hoàn thành tiến độ dự án.
Hiệp hội Doanh nghệp tỉnh Thanh Hoá kí kết hợp tác với doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2024 |
Bên cạnh đó, hiện nay, đang có tình trạng bất cập xảy ra, doanh nghiệp bị coi là nợ đọng tiền đất, nhưng trên thực tế dự án đang được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan rà soát pháp lý, nên việc giao đất cho doanh nghiệp không thể tiến hành. Tuy nhiên, cơ quan thuế vẫn tiếp tục áp dụng thu tiền sử dụng đất, vẫn treo nợ, phạt chậm nộp tiền đất, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vẫn phải chịu nợ đọng tiền đất trong thời gian dự án đang rà soát. Điều này gây khó khăn, bất cập. Ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nhiệp, của các nhà đầu tư.
Để tránh tình trạng ngành nào biết ngành đó, thiếu sự liên thông và cập nhật đồng bộ trong hệ thống, ông Cao Tiến Đoan đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ, sớm có giải pháp thiết thực, giải quyết kịp thời, tháo gỡ những khó khăn đang bất lợi cho doanh nghiệp về vấn đề này.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá, việc thành lập các doanh nghiệp mới tại địa phương đang có nhiều bất cập.
Cụ thể: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại có 38 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng chỉ có 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động có phát sinh doanh thu, còn lại 17 nghìn doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Việc doanh nghiệp đã thành lập tăng nhiều như vậy, nhưng không hoạt động là do doanh nghiệp chưa tiếp cận được thị trường, chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh hay thành lập doanh nghiệp mới chỉ để đủ chỉ tiêu và “làm đẹp những con số”?
Từ thực tế đó, ông Cao Tiến Đoan đề nghị lãnh đạo tỉnh cần có ý kiến chỉ đạo sở, ngành liên quan, kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời, có những giải pháp cụ thể để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động thực chất. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để bảo vệ doanh nghiệp đang ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu Cao Tiến Đoan còn nêu ý kiến: Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội cho tỉnh Thanh Hóa là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tăng tốc, phát triển. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy rõ nét những chuyển biến, tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh, hoặc nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, đánh giá từ lãnh đạo tỉnh về nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 58 một cách cụ thể, hiệu quả dành cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Thanh Hóa trong thời gian tới.
Liên quan đến trụ sở làm việc của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Cao Tiến Đoan chia sẻ: Với 38 nghìn doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá hiện có 99 ủy viên ban chấp hành, trong đó có 36 ủy viên ban thường vụ và 15 thường trực, cùng các ban chuyên môn, như: Pháp chế, Nội vụ, Xúc tiến thương mại, Phát triển hội viên, Ban truyền thông, Ban mặt trận…
Tuy nhiên đên nay, Hiệp hội chưa có trụ sở làm việc, văn phòng Hiệp hội đang phải thuê tạm tại tòa nhà VCCI với diện tích khoảng 30m2. Các doanh nghiệp hội viên, các Chi hội huyện, thị, thành phố về làm việc, gặp rất nhiều khó khăn và bất cập. Đặc biệt là khi đón tiếp đại biểu và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thăm, làm việc, Hiệp hội buộc phải thuê hoặc mượn địa điểm bên ngoài.
Thường trực Hiệp hội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị, đề xuất lãnh đạo tỉnh có phương án bố trí trụ sở làm việc cho Hiệp hội, thông qua phương thức cho thuê hoặc vận dụng cơ chế khác để cấp. Vấn đề này, tỉnh đã giao cho các sở, ngành chuyên môn tham mưu nhưng đến nay đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội vẫn chưa được giải quyết.
Để tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng khối lượng công việc ngày càng cao, tại kỳ họp lần này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, xem xét, giúp đỡ giải quyết nguyện vọng chính đáng, để cộng đồng doanh nghiệp hoạt động được thuận lợi.
Để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đại biểu Cao Tiến Đoan khẳng định: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật, đoàn kết một lòng, thi đua lao động, sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định đời sống cho người lao động, giữ gìn môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư tại tỉnh Thanh Hoá.
Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII |
Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII có 21 ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp vào báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của UBND tỉnh năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; các báo cáo giám sát của các Ban HĐND tỉnh; các tờ trình trình tại kỳ họp. Nhiều ý kiến có chất lượng, thảo luận sâu sắc, làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đạt được năm 2024, các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế; phân tích, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện và đề xuất, kiến nghị tỉnh nhiều vấn đề nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và những năm tiếp theo.