TP. Đồng Hới hiện có 6 điểm, CCN đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích trên 60ha, bao gồm: CCN Thuận Đức, CCN Bắc Nghĩa, CCN Nghĩa Ninh, CCN Phú Hải, cụm TTCN Quang Phú, điểm TTCN Đức Ninh; tập trung vào các nhóm ngành nghề, như: Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ uống, chế biến hải sản khô… Hạ tầng cơ sở các CCN, TTCN cơ bản khang trang. Trong đó, CCN Quang Phú, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh đã hoàn thành đường giao thông nội vùng bằng thảm nhựa; CCN Thuận Đức đang được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và thảm nhựa đường giao thông; CCN Lộc Ninh đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 4ha…
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới cho biết: Tính đến đầu năm 2022, tại các CCN-TTCN có 92 dự án đã được Nhà nước cho thuê đất, tỷ lệ lấp đầy chiếm trên 93%. Các DN hoạt động trong các CCN đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như nhiều địa phương khác, hầu hết các DN trên địa bàn thành phố gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Một số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động do đơn hàng không được thường xuyên, nhất là các DN liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Trước tình hình đó, thành phố đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ, cùng với phấn đấu từ nội lực. Đến nay, các DN đã khôi phục hoạt động trở lại và tìm hướng đi mới, dần ổn định sản xuất.
Công ty CP khoáng sản Thuận Sơn ở CCN Bắc Nghĩa đi vào hoạt động từ năm 2017, chuyên sản xuất 2 loại sản phẩm là gạch không nung và gạch lát nền vỉa hè thông dụng terrazzo. “Sau 6 năm vào sản xuất tập trung tại CCN Bắc Nghĩa, được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất, công ty đã từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Mỗi năm, công ty sản xuất trên 8 triệu viên gạch không nung và 400 ngàn m2 gạch lát nền terrazzo; doanh thu bình quân trên 7 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, trong tình hình chung, các công ty, DN đều phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc sản xuất bị ngưng trệ, đời sống công nhân lao động gặp khó khăn. Với sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền thành phố và nỗ lực của đơn vị nên từ đầu năm đến nay, công ty đã từng bước phục hồi sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, tăng số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động”, Giám đốc Công ty CP khoáng sản Thuận Sơn Phạm Ngọc Hải cho hay.
TP. Đồng Hới đã thực hiện việc mở rộng, đầu tư mới các CCN đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt, cụ thể: Mở rộng CCN Nghĩa Ninh, Bắc Nghĩa, Lộc Ninh với 19,7ha; đầu tư mới CCN Đồng Sơn diện tích 40ha; nâng tổng diện tích đất CCN trên toàn thành phố lên gần 130ha; đồng thời, có chính sách thu hút các DN, cơ sở sản xuất vào sản xuất tập trung tại các CCN, bà Nguyễn Thị Hương Giang cho biết thêm.
“Hiện nay, thành phố đang tập trung nguồn lực để phát triển mới một số CCN ở các địa bàn có tiềm năng phát triển CN, có vị trí thuận lợi thu hút đầu tư, đấu nối với kết cấu hạ tầng bên ngoài, gần vùng nguyên liệu; trong đó ưu tiên phát triển mở rộng các CCN có tỷ lệ lấp đầy cao, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, thành phố cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành liên quan, đôn đốc các phòng, ban chức năng trong công tác quản lý đầu tư, hoạt động sản xuất tại các CCN hoạt động kém hiệu quả; tập trung giải quyết và xử lý vướng mắc, khó khăn của các CCN; lựa chọn các phương án sản xuất xanh, sạch, ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực về công nghệ, tài chính vào sản xuất. Qua đó, nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các CCN, đóng góp quan trọng vào việc nhanh chóng phục hồi nền kinh tế của thành phố như mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan khẳng định.
Trọng Lãnh