Nội dung cụ thể như sau: Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên đêm 26/9 và các ngày sau đó, khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa đến mưa rất to. Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị địa phương:
Triển khai phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực đô thị, khu công nghiệp, vùng trũng thấp; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn khu vực miền núi, không để xảy ra lũ nghẽn dòng.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra 2 ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xảy ra mưa lớn.
Tổ chức kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố; thực hiện việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo quy định.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của mưa lũ.
Đến 17h ngày 27-9, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN VÀ PTDS tỉnh đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Trên các tuyến quốc lộ uỷ thác do tỉnh quản lý: mưa lớn đã gây sạt taluy dương tại 3 vị trí với khối lượng khoảng 950m3 trên tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 217; xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với chiều dài khoảng 40m3; sa bồi mặt đường đường tại 8 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 70m3...
Trên các tuyến đường tỉnh: Có 12 vị trí taluy dương bị sạt với khối lượng khoảng 650m3; xói lở mặt đường tại 2 vị trí trên tuyến đường tỉnh 520B với chiều dài khoảng 100m; sa bồi mặt đường tại 50 vị trí với khối lượng khoảng 320m3; xói lở lề đường tại 21 vị trí trên các tuyến đường tỉnh 523B và 516.
Tính đến 17h00 ngày 27-9, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng, cụ thể: Tổng diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891,6 ha; trong đó: huyện Thạch Thành 97,5 ha; huyện Vĩnh Lộc 1,5 ha; huyện Ngọc Lặc 25,4 ha; huyện Như Thanh 2,15 ha; huyện Cẩm Thuỷ 19,4 ha; huyện Hà Trung 650 ha; huyện Như Xuân 55 ha; huyện Thường Xuân 40,65 ha.
Tổng diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520,69 ha; trong đó: huyện Hoằng Hoá 65 ha; huyện Vĩnh Lộc 152,94 ha; huyện Ngọc Lặc 36,3 ha; huyện Như Thanh 45,5 ha; huyện Nông Cống 61 ha; huyện Cẩm Thuỷ 132 ha; huyện Thường Xuân 27,95 ha. Ngoài ta, có hơn 17 ha diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản bị ngập.
Toàn tỉnh có 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất (tại huyện Thường Xuân); sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn với chiều dài 10m và 230 m tường rào bị đổ tại huyện Như Thanh.
Hiện, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh đang vận hành 21 trạm bơm tiêu và các cống tiêu tự chảy đảm bảo tiêu úng cho các khu vực ngập lụt; huyện Đông Sơn tổ chức xử lý xong đối với sự cố sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh.
Minh Hiền