Thanh Hóa: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số

08:30 26/05/2022

Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhờ đó, công tác CĐS nói chung, CĐS trong các doanh nghiệp nói riêng từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ TT-TT, các bộ ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng DN và người dân, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, chuyển đổi số trong các DN nói riêng từng bước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tính đến nay toàn tỉnh có 28.512 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 190,4 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,68 tỷ đồng/doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021 Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Kết quả về chỉ số CĐS cấp tỉnh, Thanh Hóa xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đứng thứ 2 sau Quảng Ninh trong tứ giác phát triển phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), và cũng đứng thứ 2 sau Thừa Thiên - Huế trong các tỉnh Bắc trung bộ. 

Toàn cảnh hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp tìm phương án thúc đẩy chuyển đổi số
Toàn cảnh hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp tìm phương án thúc đẩy chuyển đổi số./ Nguồn ảnh báo Người lao động

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động CĐS trong doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế số của địa phương, Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy chương trình CĐS trong thời gian tới.

Cụ thể, ngày 10-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 176/QĐ-UBND, ngày 10-1-2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 4216/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều chương trình, kế hoạch khác nhằm đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Với quyết tâm, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, mới đây, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa” nhằm thảo luận các nội dung về CĐS; những khó khăn, vướng mắc, định hướng; đề xuất, kiến nghị những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng các nền tảng CĐS, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh CĐS, tiếp cận kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ, giải pháp sử dụng nền tảng số để CĐS trong các doanh nghiệp.

Tại hội nghị này, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa cho rằng hoạt động CĐS trong DN trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó CHủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở TTTT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về CĐS trong cộng đồng doanh nghiệp; nhanh chóng tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ DN trong CĐS nhằm đảm bảo các mục tiêu mà Nghị quyết số 06 của tỉnh đã đề ra.Tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị có giải pháp nền tảng số để thực hiện CĐS trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời đại diện tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ mong muốn Bộ TTTT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa thực hiện CĐS, đặc biệt vấn đề CĐS trong doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Sở TT&TT cũng sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các bước theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra: Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp CĐS chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 6 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS theo bộ tiêu chí đánh giá CĐS tỉnh Thanh Hóa; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 50% trở lên theo định hướngnghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngọc Lâm