Thanh Hóa: Năm 2022 tiếp tục dẫn đầu khu vực Bắc miền Trung về thu ngân sách

10:29 09/12/2022

Theo báo cáo, năm 2022 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục lập kỷ lục mới về thu ngân sách và có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng cao, đạt và vượt xa kế hoạch.

Một góc khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa
Một góc khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch. Sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 và giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng vẫn phát triển khá toàn diện. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện; năm 2022, có 02 đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỉ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021. Thu Ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng thu NSNN ước đạt 48.820 tỉ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỉ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỉ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động đầu tư đạt kết quả tích cực trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỉ đồng. Trong năm, đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỉ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung thực hiện; đã hỗ trợ 2.169 lao động tiền thuê nhà với kinh phí khoảng 3,2 tỉ đồng; giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 336 tỉ đồng. Hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với dư nợ đã được hỗ trợ lãi suất 429,3 tỷ đồng, số lãi hỗ trợ là 1,58 tỉ đồng. Đã phê duyệt chủ trương đầu tư 7 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng số vốn NSTW bổ sung là 1.247 tỉ đồng.

Cảng nước sâu Nghi Sơn - mũi nhọn phát triển kinh tế của Thanh Hóa
Cảng nước sâu Nghi Sơn - mũi nhọn phát triển kinh tế của Thanh Hóa.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là việc đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19 để nhanh chóng đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao; thành lập Tổ tư vấn, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở cả 3 cấp; triển khai điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…

Qua đó, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế từ ngày 10.3.2022; tỷ lệ số ca mắc COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh không có người tử vong do COVID-19. Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm thực hiện; Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Mường Xia, Hát sắc bùa của người Mường ở Thanh Hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh. Thể thao thành tích cao đạt 533 huy chương các loại; trong đó, tại SEA Games 31, các vận động viên tỉnh ta đã giành 10 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 3 huy chương đồng, cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững trong nhóm đầu cả nước, học sinh tỉnh Thanh Hóa đạt 1 huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế; đạt 58 giải (trong đó có 01 giải Nhất và 12 giải Nhì) tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022. Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng cường kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động; đã giải quyết việc làm mới cho 58.950 lao động (có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), bằng 101,6% kế hoạch và tăng 4,8% so với cùng kỳ; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 24.412 lao động; cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho 1.470 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.

Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh còn khoảng 5,05%, giảm 1,72% so năm 2021, vượt kế hoạch (KH giảm 1,5%). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2022 ước đạt 90%, đạt kế hoạch. Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, trong đó Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc.

Những thành tích quan trọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ là bước tạo đà quan trọng để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn những năm tiếp theo, thực hiện thành công Nghị quyết số 58 -NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.                                                        

Quang Thắng